Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Lược ghi phát biểu của CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh Hồ Long

Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức Phiên giám sát chuyên đề có truyền hình, phát thanh trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cùng theo dõi. Đây là chuyên đề giám sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động giám sát: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì 2 phiên làm việc với Đoàn giám sát, nghe và cho ý kiến chỉ đạo; đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cùng phối hợp, tham gia ý kiến với Đoàn giám sát; Nghe Đoàn báo cáo, cho ý kiến định hướng trước khi Đoàn làm việc với Chính phủ.

Tôi ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Đoàn giám sát do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cơ quan thường trực, đã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện theo kế hoạch, bám sát các quy định của pháp luật, làm việc kỹ lưỡng, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học; có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tôi đánh giá cao sự phối hợp rất chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo kết quả giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể, toàn diện, sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông. Nhiều nội dung, giải pháp, kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương trong quá trình tổng kết Nghị quyết 29, ban hành Nghị quyết mới về giáo dục và đào tạo.

Về đánh giá chung: Qua báo cáo của Đoàn giám sát, tôi đánh giá cao việc quán triệt và tổ chức triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, nhất là những khó khăn thách thức trong những năm đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp. Tôi thống nhất với nhận định chung: tình hình giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Về kết quả cụ thể: Hệ thống văn bản được ban hành tương đối toàn diện, bao quát các mặt, các lĩnh vực theo yêu cầu đổi mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung được xây dựng công phu, nghiêm túc, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới. Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên được bố trí, tập huấn đầy đủ, phục vụ chương trình mới. Nhà nước đã cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, triển khai chương trình mới.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 còn nhiều tồn tại, hạn chế, như đã nêu trong báo cáo, tôi nhấn mạnh lại một số điểm quan trọng:

Thứ nhất, Báo cáo đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ, trong đó Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành chậm 30 tháng; 18 nội dung được giao hướng dẫn nhưng chưa ban hành văn bản (trong đó có nhiều nội dung quan trọng của Luật Giáo dục 2019); 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Công tác tuyên truyền, quán triệt về việc đổi mới Chương trình chưa thực sự hiệu quả; có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát, toàn diện, hiệu quả chưa cao.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Thứ hai, về Chương trình giáo dục phổ thông mới: Việc thiết kế môn học lịch sử chưa hợp lý, Quốc hội phải hai lần đưa vào Nghị quyết, yêu cầu điều chỉnh. Lần gần nhất là năm 2022, Quốc hội đã yêu cầu quy định lịch sử là môn học bắt buộc.

Chủ trương "tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên" là phù hợp với xu thế của thế giới, tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị đánh giá việc tích hợp các môn học ở bậc trung học cơ sở. Nội dung các môn tích hợp này chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy, tổ chức kiểm tra riêng từng phần kiến thức. Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, thi, kiểm tra chưa triệt để, chưa thực sự chuyển sang đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh.

Thứ ba, sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều cuốn sách giáo khoa còn sai sót, trong báo cáo đã đề cập tới 18 cuốn sách có “sạn”.

Giá sách giáo khoa, nhất là chi phí phát hành sách giáo khoa cao (29-29,5% đối với sách giáo khoa, 35% đối với sách bài tập), không hợp lý so với mặt hàng thiết yếu, có số lượng phát hành lớn, ổn định.

Về "xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa", đâylà chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện có một số nội dung chưa thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu trong phát triển giáo dục và đào tạo phải "bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa "; "chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường"; Luật Giáo dục năm 2019 quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục: "Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục".

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách); các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Đây là vừa là tồn tại cũng vừa là nguyên nhân của các hạn chế khác liên quan tới trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý các rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng, yêu cầu; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội đối với học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Thứ tư, việc triển khai Chương trình mới ở đồng thời ba cấp học dẫn tới công tác chuẩn bị gấp rút, gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Về giáo viên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để; chính sách đối với giáo viên khối công lập chưa đủ hấp dẫn, nhất là đối với giáo viên tiểu học, mầm non, giáo viên thôi việc nhiều.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu, phòng học, phòng bộ môn, thư viện thiếu nhiều. Các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách gặp khó khăn về kinh phí.

Về trách nhiệm, các tồn tại, hạn chế trên có trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021), các bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan như Báo cáo kết quả giám sát đã nêu.

Về giải pháp: Tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 trong thời gian tới, tôi đề nghị:

Thứ nhất, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; cần quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của Nhân dân và toàn xã hội.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện về thể chế, nhất là những vấn đề báo cáo giám sát đã chỉ ra, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai chương trình mới.

Thứ ba, tuyên truyền, quán triệt triệt để, sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, tạo sự thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục quản lý chặt chẽ, thường xuyên rà soát, đánh giá, hoàn thiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 88.

Thứ năm, chú trọng chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, quản lý chặt chẽ giá sách giáo khoa.

Tôi đề nghị sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.

Về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bịnội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc in, phát hành, cung ứng sách giáo khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ sáu, giải quyết dứt điểm vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm cơ cấu, chất lượng. Nghiên cứu, đề xuất chính sách về giáo viên, cụ thể là trong quá trình chuẩn bị Luật điều chỉnh về nhà giáo.

Thứ bảy, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm "đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội"; bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Xem xét hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách.

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Nguyễn Bình ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quan-triet-su-lanh-dao-cua-dang-thuc-hien-tot-vai-tro-quan-ly-nha-nuoc-trong-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-i339999/