Quan trọng là dữ kiện
Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị băng hà sau 70 năm trị vì đã để lại rất nhiều cảm nhận khác nhau của đông đảo người dân trên thế giới. Và người Việt Nam cũng không nằm ngoài thời cuộc.
Sự kiện lớn này đã thu hút quan tâm của nhiều giới và tương tự như vô vàn sự kiện từng xảy ra, các tranh cãi cũng nổ ra kéo theo mà cụ thể là vai trò của nữ hoàng Anh nói riêng và Hoàng gia Anh, Chính phủ Anh nói chung trong việc thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam ở thế kỷ 19 và 20.
Tất nhiên, như ngàn cuộc tranh cãi khác, lần này tính vô bổ vẫn là đặc trưng lớn nhất. Thêm vào đó, các đặc trưng khác cũng không hề mất đi. Đó là sự hời hợt về thông tin, dữ kiện mang tính khoa học; chủ quan, áp đặt khiến đó không còn là một tranh luận tử tế nữa. Cộng đồng mạng Việt Nam, một số người với sự cực đoan cố hữu, đã không thể tạo ra một môi trường đối thoại đúng nghĩa trên các nền tảng xã hội.
Điều đáng nói là không chỉ số người được coi là “trẻ tuổi” mới mang một thái độ tranh cãi như thế. Ngay cả vài người đạo mạo, mang danh trí thức cũng sa đà vào lối tranh cãi cực đoan theo kiểu “nếu ông không ủng hộ quan điểm của tôi, dứt khoát ông là kẻ thù của tôi”. Điển hình như trên trang cá nhân của B.N, một tay bút kỳ cựu, có uy tín. Anh ta dẫn ra một nguồn tin giả về chiến sự ở Ukraine và hân hoan rủa xả những ai không cùng quan điểm của mình là “lũ bò có ăn lương”. Và B.N không phải là cá biệt duy nhất. Lối rủa xả gọi người khác chính kiến với mình là “bò” đã quá phổ biến trên mạng xã hội. Điều kỳ lạ là tại sao họ cho rằng mình là người tử tế, là trí thức, là người có suy nghĩ sâu sắc thì họ đi cãi nhau với “bò” để làm gì?
Thực chất, các tranh cãi mạng xã hội của một số người kiểu này chỉ là cái vỏ của một vấn đề đáng quan tâm hơn rất nhiều. Đó chính là thói quen trọng dữ kiện khoa học của một bộ phận người Việt đương đại rất mờ nhạt. Trước mọi vấn đề, ít khi người ta nghiêm túc tìm kiếm dữ kiện mang tính khoa học và sẵn sàng, dễ dàng đạp bỏ các lập luận có sử dụng dữ kiện khoa học một cách nghiêm túc từ người khác. Thói quen này không chỉ tạo ra những hỗn loạn vô bổ như các tranh cãi tào lao trên mạng xã hội mà nguy hiểm hơn, nó hình thành một tập quán xấu trong hành động và làm việc. Từ đó, kết quả của công việc của những người này không bao giờ chỉn chu, thậm chí nhiều khi còn gây ra hậu quả nữa là khác.
Dữ kiện khoa học là để phục vụ phát triển của con người. Và một khi rời xa dữ kiện khoa học, chắc chắn cũng là khi ta rời xa với phát triển hơn. Thực trạng xã hội Việt hôm nay vốn đã thiếu vắng các ý kiến chuyên gia lại thêm sự hời hợt của đám đông luôn coi cảm xúc cá nhân, cái tôi cá nhân quan trọng hơn hẳn tính khoa học của dữ kiện, số liệu là rất đáng báo động. Nó không chỉ biểu hiện ở cãi vã trên mạng xã hội mà còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực khác, từ đầu tư chứng khoán cho tới tiền ảo; từ văn hóa nghệ thuật cho tới nghiên cứu lịch sử vv và vv. Bắt đầu một đòi hỏi từng cá nhân phải làm việc, tranh luận dựa trên dữ kiện, số liệu khoa học là vô cùng quan trọng bởi từ đó, tập quán tốt sẽ hình thành.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/quan-trong-la-du-kien-i667592/