Quan trọng nhất là tính mạng người dân

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cốt lõi của Chỉ thị 15 và 16 là giãn cách, nếu thực hiện không nghiêm sẽ không giải quyết được vấn đề

Sáng 30-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Gần 25.000 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố vừa trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau.

Trong 19 ngày kể từ ngày 9-7 đến nay, bình quân mỗi ngày thành phố phát hiện hơn 3.300 ca mắc, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. Thành phố đã điều trị khỏi gần 25.200 bệnh nhân và hiện điều trị hơn 36.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 875 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Tốc độ tăng ca mắc bình quân/ngày đã chậm lại, hiện chỉ tăng bình quân 1,5 lần/ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15. Tuy nhiên, số tuyệt đối ca mắc hằng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Do đó, để kiểm soát được dịch có thể mất hàng tháng, thành phố có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1-8.

Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong thời gian tới, thành phố sẽ áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm thực thi triệt để các biện pháp siết chặt Chỉ thị 16, đặc biệt là từ sau 6 giờ đến 18 giờ; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ hết sức nỗ lực và với những biện pháp đã, đang chuẩn bị, thành phố có niềm tin là sẽ vượt qua, thành công trong phòng chống dịch Covid-19.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, thành phố triệt để thực hiện Chỉ thị 16, cũng có thể là 16+; cố gắng tối đa không để dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, hạn chế tối đa tử vong bằng các điều kiện, phương tiện, lực lượng mà Bộ Y tế, các bệnh viện lớn của trung ương đã có mặt, sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho TP HCM. Ngoài ra, thành phố sẽ phát huy "5 tại chỗ", huy động các nguồn lực, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà tư vấn để góp phần hỗ trợ công cuộc chống dịch Covid-19 đạt yêu cầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Y tế tặng máy thở cho TP HCM Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Y tế tặng máy thở cho TP HCM Ảnh: VIỆT DŨNG

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các giải pháp mà TP HCM đề ra trong thời gian tới và cho rằng thành phố cần tập trung vừa lo điều trị vừa lo phòng chống, dập dịch. Từ đó giảm số người bệnh, giảm số người tử vong.

Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu trước hết, trên hết, quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giảm tối đa số ca tử vong do Covid-19.

"Chúng ta có tỉ lệ tử vong thấp. Nhưng với tính mạng của người dân thì không cho phép xảy ra việc đó. Cần tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu" - Chủ tịch nước lưu ý và nhấn mạnh thêm là không chỉ với Covid-19, mà việc điều trị các bệnh khác cũng cần được chú trọng, không để tình trạng người bệnh nặng, báo tin mà không được chính quyền và y tế cơ sở quan tâm. Không được để người ốm mà không được chăm sóc; giảm tối đa số người tử vong. Đây là yêu cầu lớn với ngành y tế, với TP HCM.

Theo Chủ tịch nước, các quyết sách, chỉ đạo đã đủ, vấn đề cốt lõi là tổ chức thực hiện. Cốt lõi của Chỉ thị 15 và16 là giãn cách. "Thực hiện không nghiêm, không kiên quyết sẽ không giải quyết được vấn đề" - Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng việc TP HCM tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa là cần thiết.

Để bảo đảm việc giãn cách nghiêm túc trong thời gian dài, theo Chủ tịch nước, cần chăm lo hỗ trợ người nghèo, không được để dân đói, dân ốm mà không được chăm sóc. Đồng thời, bảo đảm điện, nước, an ninh trật tự; chủ động đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về phục vụ người dân. Chủ tịch nước bày tỏ niềm tin TP HCM với truyền thống năng động sáng tạo sẽ cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nhân chuyến thăm, đoàn công tác do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng TP HCM 103 tỉ đồng và 30 máy thở.

Giãn cách nghiêm ngặt hơn nữa

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác các bộ ngành trung ương kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP Thuận An và một số bệnh viện dã chiến tại tỉnh Bình Dương.

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết trong sáng 30-7, Bình Dương ghi nhận 1.284 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trong làn sóng dịch lần thứ 4 lên 11.968 ca. Dự báo trong 2 tuần tới, tỉnh sẽ có khoảng 20.000 ca mắc mới do tỉnh tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho 1,8 triệu người dân. Hiện tỉnh đang đầu tư thêm các khu cách ly tập trung bảo đảm 50.000 giường và mở rộng lên 100.000 giường; bổ sung các khu điều trị bệnh nhân đáp ứng 5.000 giường và sẽ nâng lên 20.000 giường, các địa phương trưng dụng tất cả trường học làm khu điều trị, cách ly tại địa phương. Đồng thời, khẩn trương mua sắm các vật tư, thiết bị, sinh phẩm... đảm bảo đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp, đầu tư thêm 60 máy thở, mặt nạ thở ôxy, máy đo nồng độ ôxy SP02 phục vụ điều trị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bình Dương phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn nữa để giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người lao động với tinh thần không được để người dân bệnh không có thuốc uống, đói không có cơm ăn. Chủ tịch nước đã tặng 16 tỉ đồng cho Bình Dương phòng chống dịch.

Th.Đồng

Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 mạnh hơn

Cần Thơ: Khởi tố nếu để dịch bệnh lây lan

Ngày 30-7, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, nghị quyết yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh hơn, cao hơn các biện pháp phòng chống dịch theo nội dung Chỉ thị 16 từ 18 giờ ngày 31-7.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, thời gian qua, địa phương đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch. Tuy nhiên, gần đây số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng, phần lớn chưa rõ nguồn lây. Chính vì thế, cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để sớm chặn dịch lây lan.

Nghị quyết cũng yêu cầu tập trung vào công tác an sinh xã hội, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, đồng thời tổ chức xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, các cơ quan, địa phương nếu để xảy ra những tình trạng này.

* Cùng ngày, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ký ban hành văn bản tăng cường các giải pháp để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn. Theo đó, đối với tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

B.Vân - C.Linh

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/quan-trong-nhat-la-tinh-mang-nguoi-dan-20210730223232482.htm