Quân tử phòng thân

Người xưa có câu “Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy” với hàm ý người khôn ngoan thường chủ động phòng xa mọi việc sẽ chẳng bao giờ bị động, bất ngờ; kẻ dại dột thì được đâu hay đó, đến khi xảy ra cơ sự thì ôi thôi, việc đáng tiếc ân hận cũng đã muộn màng.

Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là trong quá trình sản xuất và đảm bảo bữa ăn cho công nhân, Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc luôn là “vùng xanh” an toàn

Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là trong quá trình sản xuất và đảm bảo bữa ăn cho công nhân, Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc luôn là “vùng xanh” an toàn

Liên tưởng đến chuyện phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay thấy thật xác đáng, bởi con vi rút quái ác này nguy hiểm đến mức nào hẳn ai cũng đã biết. Nếu không chủ động phòng tránh, xây dựng sẵn các kịch bản, phương án để chủ động đối phó, nó mà bất thần ập đến theo cách không ngờ tới thì mạng sống cũng khó giữ, chứ đừng nói chuyện đi ăn mày.

Phải thừa nhận là cuộc chiến chống dịch Covid-19 càng kéo dài thì con người càng có nhiều kinh nghiệm ứng phó với nó hơn, giảm thiểu thiệt hại về người và của do dịch bệnh gây ra hơn. Đó là do con người biết sợ để chủ động phòng tránh và thích ứng linh hoạt trong mỗi giai đoạn, thời điểm đặc thù khác nhau.

Ví như trước đây, mỗi khi nghe nói ở đâu đó có 1 ca bệnh Covid-19 mắc mới là cả làng, cả tổng xôn xao, lo lắng. Bây giờ, khi đã xác định sống chung với dịch, dù biết là vẫn nguy hiểm, không thể chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, nhưng về cơ bản, chúng ta chấp nhận tình huống ấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên coi điều đó như một phần tất yếu của cuộc sống không thể khác được.

Có một thực tế rất hay là ngày trước, khi chúng ta còn áp dụng chủ trương né tránh dịch, đóng chặt mọi ngả đường có thể tạo nguy cơ lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng, kèm theo đó là gần như đóng băng mọi hoạt động kinh tế-xã hội để đảm bảo "ai ở đâu ở yên đấy", thì không ít người lại tỏ ra rất chủ quan khi cho rằng dịch bệnh bị “nhốt” hết trong các khu cách ly tập trung, ra ngoài thế nào được mà sợ. Vậy là hậu quả tất yếu xảy ra.

Còn bây giờ, khi triển khai chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, để người dân tự do thực hiện các hoạt động sinh hoạt gần như bình thường thì nhiều người lại tỏ ra lo ngại, nên hầu hết thực hiện rất nghiêm các biện pháp tự phòng, chống dịch.

So sánh mới thấy, mô hình trước kia thể hiện sự bao bọc quá lớn của chính quyền và cơ quan chức năng, người dân chỉ cần tuân thủ là hoàn thành nhiệm vụ. Như thế nhiều người sẽ không thấy hết được giá trị của ý thức tự giác, tinh thần chủ động trong phòng, chống dịch. Thậm chí, nhiều người rảnh rỗi còn cho rằng, chủ trương, đường lối của Nhà nước và chính quyền một số địa phương chưa thực sự hiệu quả, nhẽ ra phải làm tốt hơn...

Với mô hình bây giờ, chính quyền và cơ quan chức năng gần như chỉ gợi ý và vạch ra đường lối, còn lại người dân phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sao cho hiệu quả và phù hợp nhất với bản thân, gia đình. Nếu không tuân thủ, vừa thiệt thân, lại vừa có nguy cơ vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm hình sự như chơi.

Điển hình như trong chuyện giao thông đi lại. Trước kia, dù cấm đoán hay áp dụng nhiều biện pháp mạnh để hạn chế di chuyển giữa các địa phương trong nước và trong tỉnh, nhiều người dân vẫn cố tình lén lút qua lại và gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bây giờ, khi hoạt động này được tự do hoàn toàn thì hầu hết người dân lại rất thận trọng. Bởi mấy ai không hiểu tự do đi lại nghĩa là Covid-19 hoàn toàn có thể tự do tồn tại ở khắp nơi. Nếu không có việc thực sự cấp thiết, dại gì mà di chuyển để rước bệnh vào thân.

Chuyện ăn uống cũng tương tự. Trước kia, dù cấm ăn uống, tập trung đông người nhưng số vụ vi phạm vẫn rất cao. Bây giờ, không những không cấm mà Nhà nước còn khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động kinh tế-xã hội. Có điều, trong quá trình hoạt động, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào không tuân thủ tốt các quy định phòng, chống dịch, để xảy ra hậu quả lây lan dịch bệnh thì bản thân bị thiệt hại trước, thiệt hại rất nặng nề vì phải đóng cửa hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khắc phục hậu quả.

Người dân có nhu cầu ăn uống bên ngoài còn cảnh giác hơn nữa khi hầu hết chỉ chọn những quán có độ đảm bảo an toàn cao hoặc đi ăn vào những giờ vắng người, thậm chí mua về nhà cho chắc. Nếu không, phần lớn người dân sẽ chọn phương án tự nấu nướng tại nhà.

Thế mới biết, trong bất kỳ vấn đề trọng đại nào của đất nước, bên cạnh đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền, nếu gắn chặt được ý thức trách nhiệm của mỗi người dân vào công việc cần làm, chắc chắn mọi nhiệm vụ dù khó khăn đến đâu cũng đạt được mục tiêu đề ra. Nói cách khác, nếu mỗi người dân biết tự lo cho mình đồng nghĩa với việc biết lo cho người khác, lo cho toàn xã hội. Khi ấy, xã hội sẽ chẳng có việc gì phải lo nữa cả.

Bài, ảnh: Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71311/quan-tu-phong-than.html