Quảng bá đậm nét bản sắc văn hóa Việt Nam tại Thụy Sĩ
Một Việt Nam với vẻ đẹp đa dạng, từ Nhã nhạc cung đình đến cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và các sản phẩm du lịch bền vững, khám phá văn hóa, trải nghiệm có chiều sâu đã được quảng bá tại Geneve.

Nhã nhạc cung đình Huế được trình diễn tại sự kiện. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia)
Chương trình giới thiệu Việt Nam tại thành phố Geneve, Thụy Sĩ vào tối 8/5 (giờ địa phương) đang tiếp nối chuỗi hoạt động quảng bá du lịch tại châu Âu.
Sự kiện cũng là cam kết và nỗ lực chung trong việc tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và Thụy Sĩ - hai quốc gia có mối quan hệ hữu nghị lâu đời và nhiều tiềm năng bổ trợ lẫn nhau.
“Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 54 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2025) và việc quan hệ song phương vừa được nâng cấp lên tầm ‘Đối tác toàn diện’ vào tháng 1/2025, đây là một dấu mốc lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực du lịch vốn là cầu nối hiệu quả giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy sự hiểu biết, đồng cảm và gắn bó,” Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Việt Nam - điểm đến lý tưởng
Du khách Thụy Sĩ luôn được biết đến là những người yêu thiên nhiên, có ý thức cao về bảo vệ môi trường, quan tâm tới văn hóa bản địa, thích trải nghiệm có chiều sâu và giá trị. Những đặc điểm đó rất phù hợp với thế mạnh của du lịch Việt Nam - một điểm đến giàu bản sắc, đa dạng sinh thái, thân thiện và ngày càng chuyên nghiệp.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá xu hướng du lịch hiện nay tại Thụy Sĩ đề cao yếu tố bền vững, trải nghiệm đích thực và du lịch có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng địa phương. Đây cũng chính là định hướng mà du lịch Việt Nam đang theo đuổi, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường song phương.

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia giới thiệu tổng quan về du lịch Việt Nam. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia)
Ông Khánh tin tưởng rằng với sự phù hợp về đặc điểm thị trường và thế mạnh sản phẩm, du lịch Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến yêu thích của du khách Thụy Sĩ trong hành trình khám phá thế giới, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.
Đáng chú ý, chính sách thị thực mới của Việt Nam hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết cho du khách Thụy Sĩ. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/3- 31/12/2025, công dân Thụy Sĩ nhập cảnh Việt Nam theo chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam sẽ được miễn thị thực lên đến 45 ngày. Không dừng ở đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đang tích cực đề xuất để công dân quốc gia châu Âu này có thể đến Việt Nam du lịch tự túc mà không cần thị thực, đáp ứng xu hướng du lịch linh hoạt của thị trường quốc tế.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết hiện nay Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) đang tài trợ dự án ODA không hoàn lại “Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD), do tổ chức HELVETAS triển khai từ năm 2024 đến năm 2027 tại tỉnh Đồng Tháp, Quảng Nam và Hà Giang.
Lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam đánh giá dự án này mang ý nghĩa rất thiết thực, góp phần thúc đẩy du lịch bền vững tại các địa phương giàu tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức. Việc tập trung hỗ trợ thực thi chính sách, nâng cao năng lực đào tạo và tăng cường khả năng vận hành hiệu quả cho điểm đến và doanh nghiệp địa phương không chỉ giúp cải thiện chất lượng du lịch, mà còn tạo điều kiện để người dân địa phương được hưởng lợi nhiều hơn từ du lịch, đúng với tinh thần phát triển hài hòa và bao trùm mà Việt Nam luôn hướng đến.
“Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với Thụy Sĩ trong các lĩnh vực như đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, cũng như tổ chức các sự kiện quảng bá Du lịch Việt Nam tại Thụy Sĩ, nhằm tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ du lịch của du khách Thụy Sĩ,” ông Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.

Ẩm thực cung đình Huế được giới thiệu tại Thụy Sĩ. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia)
Một không gian đậm đặc bản sắc Việt
Tại chương trình, toàn cảnh một Việt Nam với vẻ đẹp đa dạng đã giới thiệu đến các đối tác và du khách Thụy Sĩ. Đó là hình ảnh của những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Quần thể di tích cố đô Huế với Nhã nhạc cung đình, đến những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và các sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với thị hiếu của du khách Thụy Sĩ vốn yêu thích du lịch bền vững, khám phá văn hóa và trải nghiệm có chiều sâu.
Các điểm đến như Sa Pa, Hà Giang, Tràng An, Phú Quốc, hay hang Sơn Đoòng được kỳ vọng sẽ là lựa chọn hấp dẫn. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố Huế đã giới thiệu về Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 chủ đề “Kinh đô xưa, vận hội mới.” Qua đó, quảng bá về tiềm năng thế mạnh, những giá trị di sản văn hóa, ẩm thực đặc sắc, sản phẩm hấp dẫn của cố đô đến đông đảo đại biểu, đối tác, doanh nghiệp Thụy Sĩ.
Chương trình cũng tạo không gian cho các hoạt động kết nối doanh nghiệp giữa các công ty du lịch, khách sạn hai quốc gia. Các hoạt động trình diễn đậm đà bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc của Việt Nam như biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, quảng diễn nghệ thuật ẩm thực cung đình của các nghệ nhân ẩm thực Huế với các món ăn như nem công, chả phượng, mời khách giao lưu làm nem cuốn, nếm thử nem rán và giới thiệu nghệ thuật làm nón lá sen cũng làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách tham dự.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Thụy Sĩ, ông Phùng Thế Long, nhận định đối với du khách Thụy Sĩ, Việt Nam là điểm đến an toàn và quyến rũ. Khi đến Việt Nam, du khách Thụy Sĩ có thể tận hưởng những làn gió mát lành, ánh nắng ấm áp, những bãi biển tuyệt đẹp và hải sản tươi ngon.

Vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc ở Cung An Định, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)
“Du khách có thể tìm thấy sự yên bình trong không gian cổ kính của Phố cổ Hội An hay vẻ đẹp thơ mộng của Kinh thành Huế. Đồng thời, cũng có thể cảm nhận được sự sôi động, hiện đại của các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Dù đến bất kỳ nơi đâu ở Việt Nam, du khách cũng sẽ luôn được chào đón bằng những nụ cười thân thiện và lòng mến khách nồng hậu của người dân Việt Nam,” Đại sứ Phùng Thế Long nhấn mạnh./.
Năm 2024, Việt Nam đón hơn 33.600 lượt khách Thụy Sĩ, tăng mạnh so với 28.000 lượt vào năm 2023 và tiệm cận mức trước đại dịch, năm 2019 (hơn 36.500 lượt). Trong 3 tháng đầu năm 2025 đã có gần 12.000 lượt khách Thụy Sĩ đi du lịch Việt Nam (tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước).
Đây là những con số rất tích cực, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng phát triển bền vững của thị trường Thụy Sĩ đối với du lịch Việt Nam.