Quảng bá di sản văn hóa bằng công nghệ
Tại các di tích, danh thắng ở Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ hiện đại và từng bước số hóa các tư liệu đã mang đến một luồng gió mới trong công tác bảo tồn di sản. Ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản cũng là cách để văn hóa và du lịch đồng hành, cùng nhau phát triển trong bối cảnh mới.
Thăm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bà Laura Hunt – du khách đến từ Nam Phi đã có nhiều thời gian tìm hiểu về những giá trị lịch sử ở đây với thiết bị thuyết minh tự động. Với những du khách nước ngoài du lịch tự túc, thiết bị này là một lựa chọn hữu hiệu.
Bà Laura Hunt chia sẻ: "Thiết bị thuyết minh tự động này rất thuận tiện, có nhiều ngôn ngữ để lựa chọn và dễ sử dụng, nó giúp tôi chủ động thời gian tham quan và tìm hiểu được nhiều thông tin ở di tích tuyệt vời này".
Việc số hóa di sản, di tích ngày càng phổ biến, giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ so với phương pháp truyền thống, cho tính trực quan, độ tin cậy cao. Trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng gần đây, trước sự phát triển nhanh của công nghệ cùng với ý thức, niềm tự hào về văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm riêng của các nhà chuyên môn mà thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó có thế hệ trẻ.
Theo nhiều chuyên gia, công nghệ là thành tố quan trọng nhưng cũng chỉ là phương tiện, việc bảo tồn di sản trong giai đoạn hiện nay vẫn cần quan tâm đến nội dung bởi đây mới là yếu tố cốt lõi của di sản. Để việc số hóa thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương, đơn vị phải có sự kiểm kê, chuẩn hóa thông tin về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội.
Hà Nội có tài nguyên di sản đa dạng để phát triển công nghiệp văn hóa, do đó việc đẩy mạnh số hóa các di tích lịch sử không những góp phần lưu trữ tư liệu, bảo tồn di sản mà còn giúp quảng bá văn hóa, du lịch Thủ đô một cách rộng rãi.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/quang-ba-di-san-van-hoa-bang-cong-nghe-232110.htm