Quảng bá hình ảnh ngành trà và tơ lụa Bảo Lộc
Nhân dịp Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng năm nay, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Triệu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc.
PV: Qua nhiều lần tổ chức Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa, thành phố Bảo Lộc kỳ vọng như thế nào về hoạt động văn hóa mang nhiều ý nghĩa này? Qua nhiều lần tổ chức như vậy thì kết quả mà lễ hội đem lại như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Triệu: Khi tổ chức Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa, thành phố Bảo Lộc mong muốn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển ngành nghề. Đây cũng là cơ hội để những người trồng, sản xuất, kinh doanh trà, tơ lụa được giao lưu, trao đổi, phát triển ngành nghề. Song song đó, hoạt động này cũng nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về các hoạt động ngành nghề của địa phương, góp phần nâng cao vị thế vùng trà, tơ lụa B’Lao vốn đã nổi tiếng từ lâu.
Qua 7 lần tổ chức, Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa đã đem lại nhiều kết quả, đã giới thiệu, quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh của ngành trà và tơ lụa Bảo Lộc gắn với tiềm năng thế mạnh về kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua hoạt động này, du khách trong nước và quốc tế hiểu rõ về vùng đất và con người nơi đây, góp phần xâu kết và tạo được sự quan tâm hưởng ứng của xã hội, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách, bạn bè gần xa khi đến với phố núi xứ trà tơ.
PV: Theo thời gian, chất lượng tơ lụa Bảo Lộc đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, thành phố Bảo Lộc đã có những động thái gì để vừa khôi phục nền sản xuất vừa xây dựng và quảng bá thương hiệu tơ lụa?
Ông Nguyễn Văn Triệu: Hoạt động trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đang phát triển ổn định trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Hiện nay, toàn thành phố Bảo Lộc có hơn 650 ha dâu và 30 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực tơ lụa. Hàng năm, sản lượng sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ và khoảng 3,5 triệu m2 lụa các loại. Các sản phẩm chính của tơ lụa Bảo Lộc gồm: Tơ xe, vải lụa tơ tằm, lụa Satin dùng may áo Kimono, lụa Yozu dùng may khăn choàng đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ, vải lụa Habutai, lụa CDC… dùng may áo dài, quần áo cao cấp, trang trí nội thất. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã vươn ra các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông…
Dựa trên Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, thời gian qua, thành phố Bảo Lộc đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm, xây dựng các mô hình ứng dụng tự động, cơ giới hóa trồng dâu nuôi tằm, xây dựng liên kết tổ chức sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tơ lụa cũng được lồng ghép trong nhiều chương trình khác như sau: Hỗ trợ khuyến công trong phát triển sản xuất ươm tơ dệt lụa, phát triển thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc”, phát triển thị trường. Đến nay, UBND thành phố đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ Lụa Bảo Lộc” cho 14 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn và đang tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Tơ lụa Bảo Lộc” cho các doanh nghiệp cơ sở đủ điều kiện tham gia.
PV: Thưa ông, cùng với việc quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường thì công tác xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tơ lụa mang tính chất bền vững cũng là yêu cầu được đặt ra. Vậy định hướng phát triển của thành phố Bảo Lộc như thế nào đối với vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Triệu: Trong giai đoạn hiện nay, thành phố Bảo Lộc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững, ứng dụng công nghệ cao; tăng năng suất, nâng cao chất lượng giống cây trồng. Trong đó, nhiệm vụ khôi phục và phát triển lại nghề trồng dâu nuôi tằm được chú trọng thực hiện cùng với việc quảng bá, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu Tơ Lụa Bảo Lộc. Để làm được việc này thì thành phố định hướng gắn kết các nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất khép kín, phát triển công nghiệp ươm tơ, dệt lụa để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm chế biến từ tơ tằm trên thị trường trong và ngoài nước, tăng cường gắn kết hữu cơ giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước nhằm hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!