Quảng bá sản phẩm OCOP của Tây Nguyên

Các sản phẩm OCOP của Đăk Lăk sẽ tập trung vào nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn...

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), khu vực Tây Nguyên năm 2019. Theo đó, hội chợ sẽ diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột từ ngày 28/11/2019 đến ngày 3/2/2020. Tham gia hội chợ có hơn 350 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm về nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và máy móc thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm nông nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu “Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đăk Lăk năm 2019”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu “Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đăk Lăk năm 2019”

Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP, là dịp để các địa phương trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành khác giới thiệu, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp; kết nối giao thương, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của xã, phường theo chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.

Trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên”. Bởi vậy, nhiều người kỳ vọng, hội chợ sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tiềm năng thế mạnh, đặc trưng vùng đất Tây Nguyên, cũng như ở các địa phương khác.

Được biết, “Mỗi xã một sản phẩm”, là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Trên thực tế, vùng đất Tây Nguyên rất da dạng bản sắc văn hóa, dân tộc và đặc sản vùng miền gắn với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc. Bởi vậy, các sản phẩm OCOP trong khu vực khá đa dạng và phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc kết hợp với hương vị đặc thù của điều kiện tự nhiên...

Thực tế, các địa phương trong khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Đơn cử, tại Gia Lai hiện có 47 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP. Trong đó, có các dòng sản phẩm như, thực phẩm nông sản tươi sống, thực phẩm thô và sơ chế, nước trái cây, dược liệu, thảo dược, sản phẩm lên men... Tương tự, theo đề án OCOP của địa phương, từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đăk Lăk sẽ phát triển 84 sản phẩm với 196 chủ thể. Các sản phẩm OCOP của Đăk Lăk sẽ tập trung vào nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn...

Theo ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP, địa phương sẽ tập trung việc gia tăng giá trị cho các sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, việc phát triển số lượng cũng được chú trọng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.

Trung Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quang-ba-san-pham-ocop-cua-tay-nguyen-95138.html