Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm

Thông qua phát triển mô hình quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm không chỉ bảo tồn, giới thiệu được các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Du khách tham quan quy trình sản xuất mắm tôm truyền thống tại Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa).

Du khách tham quan quy trình sản xuất mắm tôm truyền thống tại Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa).

Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trải nghiệm đã và đang là hướng đi bền vững mà nhiều chủ thể OCOP trong tỉnh lựa chọn. Đây không chỉ là hướng phát triển kinh tế hiệu quả mà còn góp phần đa dạng hóa, tạo thêm sức sống cho nền “kinh tế xanh” của tỉnh.

Là chủ thể sản xuất đầu tiên của tỉnh phát triển sản phẩm OCOP 5 sao với hệ thống nhà xưởng được đầu tư hiện đại và quy trình sản xuất truyền thống, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (gọi tắt là Công ty Lê Gia), xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã lựa chọn và thành công với hướng đi riêng. Những ngày này, khi vụ cá Nam sắp kết thúc, là lúc Công ty Lê Gia đẩy mạnh việc mua cá biển về sơ chế, ủ làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, cũng là thời điểm công ty đón lượng khách du lịch đến trải nghiệm khá đông.

Giám đốc Công ty Lê Anh cho biết: "Kể từ khi các sản phẩm của Lê Gia như mắm tôm, nước mắm, mắm tép... được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao thì thương hiệu Lê Gia không những được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mà còn là địa chỉ mà du khách, người tiêu dùng mong muốn tìm hiểu về nét độc đáo của nghề truyền thống trong một nhà máy hiện đại. Chính bởi lẽ đó, chúng tôi luôn ấp ủ dự định quảng bá, lan tỏa những tinh hoa trong sản xuất, văn hóa của người dân vùng biển xứ Thanh đến du khách trong nước và quốc tế".

Để hiện thực hóa mong muốn đó, sau nhiều năm phát triển, tháng 5/2024 Lê Gia hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, thân thiện môi trường gắn với khai thác lợi thế du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch tham quan trải nghiệm. Hàng chục đoàn khách du lịch đã tìm đến điểm du lịch Lê Gia để tham quan, khám phá về quy trình sản xuất nước mắm, thưởng thức, mua sắm những sản phẩm truyền thống từ biển. Với việc hình thành không gian thoáng, đẹp và quy trình giới thiệu quảng bá chuyên nghiệp, Lê Gia đã mang đến cho du khách điểm check-in, chụp ảnh, trải nghiệm lý tưởng và sự cảm nhận sâu sắc về nếp sống thuần hậu, chất phác, mến khách của người dân vùng ven biển Hoằng Hóa.

Chị Phan Trang, một du khách đến từ TP Hà Nội chia sẻ trên facebook sau lần được trải nghiệm ở đây: "Ở Lê Gia hội tụ được nhiều điểm nổi bật như không gian, nét đặc sắc trong sản xuất, văn hóa, ẩm thực của xứ Thanh tươi đẹp, trù phú. Và hơn hết, đó là đam mê phát triển một không gian giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm. Ở điểm du lịch này, chúng tôi không chỉ được tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP, các sản phẩm truyền thống mà còn được trải nghiệm đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng biển xứ Thanh".

Gian trưng bày sản phẩm OCOP Đông trùng hạ thảo Minh Trường tại Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Gian trưng bày sản phẩm OCOP Đông trùng hạ thảo Minh Trường tại Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Tại huyện Bá Thước, việc quảng bá sản phẩm OCOP cũng đã và đang gắn chặt với hoạt động du lịch. Theo chị Bùi Thị Tâm, thành viên HTX nông nghiệp và du lịch Ban Công: "Nếu như trước đây lúa nếp đặc sản của địa phương chỉ được giao buôn cho thương lái về các chợ đầu mối, thì nay đã xây dựng thành thương hiệu gạo nếp Cú Mắc Cải để phục vụ ẩm thực trong hoạt động du lịch. Chúng tôi đã tận dụng lợi thế của những khu ruộng bậc thang vừa để làm nơi sản xuất sản phẩm OCOP, vừa để du khách tham quan, check-in cũng như hiểu thêm về quá trình sản xuất ra những hạt gạo OCOP địa phương. Thông qua việc kết hợp du lịch trải nghiệm, nhiều sản phẩm OCOP như vịt Cổ Lũng, gạo nếp, khâu nhục... được tiêu thụ mạnh hơn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương".

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 22 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng gắn với vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch làng nghề đã được hình thành, như: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (Đông Sơn) với mô hình tham quan, trải nghiệm sản xuất rau, củ, quả an toàn; HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) với mô hình tham quan đồi chè, trải nghiệm sản xuất chè truyền thống; làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã kết nối với các đơn vị du lịch tổ chức tour tham quan làng nghề... Đây là hướng đi đang được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển cho khu vực kinh tế nông thôn, để thu nhập của người dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ việc đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Song, thực tế cho thấy, việc quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm chỉ mới manh nha, chưa thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả như kỳ vọng, bởi đây là hình thức mới, đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí, nhân lực...

Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Bùi Công Anh nhấn mạnh: Thông qua phát triển mô hình quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm không chỉ bảo tồn, giới thiệu được các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của tỉnh. Qua đó, kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng và sản vật độc đáo của tỉnh đến mọi miền đất nước. Thông qua dịch vụ mua sắm, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được mở rộng. Đây là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ hiệu quả, giảm chi phí, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quang-ba-san-pham-ocop-nbsp-gan-voi-du-lich-trai-nghiem-226177.htm