Quảng bá tinh thần chống dịch của Việt Nam ra thế giới

TS Trần Đoàn Lâm cho rằng giới xuất bản nên chú trọng hơn nữa trong việc phát hành những đầu sách về sáng kiến chống dịch và tinh thần sẻ chia của con người trong thời điểm này.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thông tin về tình hình dịch bệnh và cuộc chiến giữa con người - virus luôn được cập nhật hàng ngày qua các nguồn kênh thông tin khác nhau. Cùng báo chí, giới xuất bản cũng tích cực chung tay bằng những ấn phẩm thiết thực.

TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, lý giải động lực khiến đơn vị của ông liên tiếp mua bản quyền và liên kết xuất bản những đầu sách viết về đại dịch.

Bên cạnh đó, ông đề xuất một số chủ đề tích cực mà giới làm sách trong nước nên đầu tư để quảng bá hình ảnh chống dịch của Việt Nam ra thế giới.

 TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới. Ảnh: H.T.

TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới. Ảnh: H.T.

Sách là bức tranh toàn diện về cuộc chiến chống dịch

- Theo ông, sách có vai trò gì khác biệt so với báo chí trong việc tuyên truyền chống dịch?

- Ngành xuất bản cùng báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đưa tin, nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời truyền tải chiến lược, chính sách trong nước và từng quốc gia, giúp kịp thời ngăn chăn dịch bệnh, để xã hội sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.

Song, tính chất của sách có phần khác với báo chí. Sách không cập nhật thông tin mang tính thời sự nhanh như báo chí, nhưng lại mang một giá trị lâu bền hơn. Với tôi, sách là bức tranh toàn diện về cuộc chiến này.

Bên cạnh đó, các xuất bản phẩm còn là một nguồn thông tin không thể thiếu đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, bởi nó nắm giữ vai trò là một nguồn tham khảo hữu hiệu.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình các tác phẩm đề cập đại dịch được chuyển ngữ trong thời gian qua?

- Bối cảnh đại dịch là đề tài được khá nhiều tác giả trên thế giới khai thác và mong muốn được chuyển ngữ. Đến nay, nhiều đơn vị xuất bản nhanh chóng mua bản quyền các tác phẩm viết về đại dịch trên thế giới.

Sách là khối kiến thức cô đọng cho chúng ta biết được phương hướng để cùng tồn tại trong bối cảnh này.

TS Trần Đoàn Lâm

Việc mua bản quyền cũng diễn ra nhanh chóng vì ở thời điểm này, cả tác giả, đơn vị xuất bản và độc giả đều nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề.

Điểm đặc biệt của đơn vị chúng tôi đó là làm sách ngoại văn, việc chuyển ngữ và mua bản quyền đã trở thành quen thuộc.

Thời kỳ hậu Corona - Luôn có cơ hội trong khủng hoảng; Tương lai sau đại dịch Covid-19; Để yên cho bác sĩ “hiền” - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể; Điềm báo và sứ mệnh - Bí mật đằng sau cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19; Vaccine - Những điều cần biết về tiêm chủng… là những tựa sách được chúng tôi liên kết xuất bản trong thời gian qua.

- Đơn vị của ông lựa chọn các ấn phẩm nước ngoài viết về chủ đề này để chuyển ngữ dựa trên tiêu chí nào?

- Sách của các chuyên gia y tế, nhà dịch tễ học nổi danh trên thế giới, tôi nghĩ sẽ phù hợp hơn với các nhà nghiên cứu khoa học trong nước. Họ đã có vốn ngoại ngữ cơ bản để có thể đọc được rồi, nên nhóm sách đó không phải tiêu chí lựa chọn hàng đầu của chúng tôi.

Chúng tôi hướng tới ấn phẩm là tài liệu thuần của các nhà khoa học. Mục đích là phổ biến kiến thức cơ bản chứ không cung cấp góc nhìn chuyên khoa, để mọi người dân khi đọc đều có thể nắm bắt được thông tin.

Điều này giúp chúng tôi thực hiện hai mục tiêu: Tiếp cận nhiều độc giả và phổ biến kiến thức cơ bản về dịch bệnh tới người dân.

 Một số ấn phẩm viết về đại dịch được NXB Thế giới liên kết xuất bản trong thời gian qua. Ảnh: Y Nguyên.

Một số ấn phẩm viết về đại dịch được NXB Thế giới liên kết xuất bản trong thời gian qua. Ảnh: Y Nguyên.

Chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến chống dịch

- Doanh thu trong đại dịch chắc hẳn không khả quan vì vấn đề “săn” độc giả và khâu vận chuyển. Đâu là động lực khiến Nhà xuất bản Thế giới liên tiếp làm những tựa sách về đề tài này?

- Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân đọc sách với mục đích vừa giải trí, vừa tìm hiểu kiến thức về dịch bệnh. Đó chính là động lực của chúng tôi.

Chúng tôi nhận thấy sách là món ăn tinh thần thiết yếu, cung cấp cho độc giả góc nhìn đa dạng về cuộc chiến này. Chỉ khi có hiểu biết khoa học sâu rộng về đại dịch qua các nguồn cả báo chí và sách vở, con người mới có thêm tinh thần lạc quan.

Dịch bệnh càng căng thẳng, ta càng cần có niềm tin dựa trên các nghiên cứu và chính sách chống dịch. Và sách chính là công cụ hữu hiệu mang lại cho con người sức mạnh của niềm tin đó.

- Thông tin về dịch bệnh, các phương tiện truyền thông hiện nói rất nhiều và thường xuyên. Sách về đề tài này có được coi là cần thiết nữa hay không, thưa ông?

- Virus corona xuất hiện gần 2 năm nay, nhưng biến chủng và sức lây lan của nó dường như chúng ta vẫn chưa khám phá hết. Thông tin về đại dịch đúng là nhiều, song nó chưa nhiều đến mức con người không cần biết thêm về nó nữa.

Sách không cung cấp số ca mắc hàng ngày, nhưng lại là khối kiến thức cô đọng cho chúng ta biết được phương hướng để cùng tồn tại trong bối cảnh này, dự đoán về sự lây lan của đại dịch, cách khắc phục hậu quả sau đại dịch, cũng như những đối sách khác nhau đến từ các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam chúng ta có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến chống dịch tốt cần được ghi chép thành sách và giới thiệu với bạn đọc thế giới.

TS Trần Đoàn Lâm

Một điểm nổi bật mà các xuất bản phẩm đề cập trong đại dịch (trong khi các phương tiện truyền thông khác ít nhắc tới) đó là vấn đề khủng hoảng, rối loạn tâm lý và cách cải thiện nỗi lo âu cho con người. Những vấn đề này nảy sinh và luôn cần có những sự ghi chép cụ thể bằng sách.

- Ngoài viết về cuộc chiến chống dịch, theo ông, đâu là những đề tài giới xuất bản cần mở rộng để khai thác, từ đó giới thiệu bản quyền ra thế giới?

- Đơn vị chúng tôi đang xem xét một số ấn phẩm có thể chuyển ngữ và giới thiệu với độc giả để quảng bá tinh thần chống dịch của Việt Nam ra thế giới.

Đó là cuốn Để yên cho bác sĩ “hiền” - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể của bác sĩ Ngô Đức Hùng và Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19 (cuốn này hiện chúng tôi đã hoàn thiện bản thảo tiếng Tây Ban Nha).

Việt Nam chúng ta có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến chống dịch tốt cần được ghi chép thành sách và giới thiệu với bạn đọc thế giới, chẳng hạn như chiến lược khoanh vùng xanh; phát phiếu đi chợ; ATM gạo; các hoạt động thiện nguyện; chia sẻ lương thực, thực phẩm tới những người gặp khó khăn do Covid-19…

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia có nền Đông y lâu đời, có nhiều tiềm năng khai thác để chăm sóc sức khỏe; hoặc những liệu pháp giúp phục hồi tâm lý để sống khỏe, lành mạnh trong mùa dịch; cũng như tăng cường bổ sung dưỡng chất để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tôi nghĩ sách Đông y cũng là mảng đề tài nên được khai thác tích cực.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm bào chế vaccine Nanocovax. Các cuốn sách nếu viết về những chủ đề này sẽ rất quý, đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại.

Huế Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quang-ba-tinh-than-chong-dich-cua-viet-nam-ra-the-gioi-post1254517.html