Quảng bá và tôn vinh áo dài Việt Nam

Nét văn hóa riêng biệt tạo nên dấu ấn của mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu như phụ nữ Nhật Bản tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với chiếc Hanbok, phụ nữ Ấn Độ với bộ Sari đầy ấn tượng, thì phụ nữ Việt Nam luôn tự hào với tà áo dài truyền thống.

Áo dài có từ bao giờ?

Cho đến nay dường như vẫn chưa có câu trả lời chính xác áo dài Việt Nam ra đời khi nào. Trong cuộc tọa đàm "Lịch sử áo dài Việt Nam" do Bảo tàng Áo dài tổ chức, PGS, TS Trần Thuận (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Từ lâu, chưa ai có thể khẳng định rõ áo dài Việt Nam có từ khi nào; lịch sử áo dài Việt Nam bắt đầu từ đâu..., bởi sử liệu bàn về vấn đề này không nhiều, không mấy rõ ràng.

 Áo dài tứ thân trưng bày tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: Bảo tàng Áo dài cung cấp.

Áo dài tứ thân trưng bày tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: Bảo tàng Áo dài cung cấp.

“Trước khi định hình thành nét đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam, chiếc áo dài phải trải qua bao thử thách. Như một sự sàng lọc tự nhiên, các yếu tố cả nội sinh lẫn ngoại sinh sẽ được giữ lại và kết tinh trong từng thớ vải, đường kim, trong từng nét phô, nét kín. Giá trị không đổi của chiếc áo dài ngoài tính triết lý và nghệ thuật, còn ở chỗ nó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt”, PGS, TS Trần Thuận nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc tọa đàm trên, PGS, TS Hà Minh Hồng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cũng đưa ra nhận định: Các nhà sử học tìm trong thư tịch và cổ sử không thấy lịch sử áo dài. Các nhà dân tộc học và khảo cổ học cũng chưa có thông tin chính xác về cội nguồn, lịch sử của áo dài.

Tuy chưa rõ về lịch sử ra đời của áo dài nhưng PGS, TS Hà Minh Hồng khẳng định: Với một sức mạnh tinh thần được hun đúc tự bao đời trong tiến trình lịch sử dân tộc, áo dài nhanh chóng lan tỏa trong đời sống xã hội với giá trị văn hóa ngày càng được nâng cao. Hơn thế nữa, sức lan tỏa không dừng lại trong nước mà còn tiến vươn ra cả thế giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình ra đời của áo dài Việt, chị Huỳnh Ngọc Vân, Cố vấn - Quản lý Bảo tàng Áo dài cho biết: Mặc dù lịch sử hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam vẫn đang được nghiên cứu, tuy còn nhiều tranh luận nhưng giá trị lịch sử, văn hóa của áo dài đã được khẳng định trong đời sống xã hội, được bạn bè thế giới tôn vinh, ca ngợi.

Tự hào áo dài Việt

Chị Tuyết Nga, nữ ca sĩ của dòng nhạc thính phòng nhưng lại đoạt danh hiệu Hoa hậu Áo dài 2019 luôn cảm thấy tự tin mỗi khi ra sân khấu biểu diễn trong tà áo dài truyền thống.

 Ca sĩ Tuyết Nga trong trang phục áo dài khi thực hiện cảnh quay trong MV ca nhạc.

Ca sĩ Tuyết Nga trong trang phục áo dài khi thực hiện cảnh quay trong MV ca nhạc.

Ca sĩ Tuyết Nga cho biết: Tôi đăng ký tham gia Cuộc thi Hoa hậu Áo dài bởi từ khi còn nhỏ tôi đã rất thích mặc áo dài. Lúc còn là học sinh, tôi luôn mong muốn mình lớn thật nhanh để được mặc áo dài. Trong hầu hết các MV ca nhạc, tôi đều chọn trang phục áo dài để thể hiện các tiết mục. Trong thâm tâm của tôi luôn muốn quảng bá áo dài ra thế giới nên khi tham dự Liên hoan phim Cannes 2019, tôi chọn bộ áo dài cách tân, có hình hoa sen, phượng hoàng mang nét đặc trưng Việt của nhà thiết kế Hà Duy. Khi khoác trên mình bộ trang phục kín đáo, giản dị này bước ra thảm đỏ, tôi đã nhận được nhiều lời khen của khán giả nước ngoài. Tôi tự hào vì trang phục của mình để lại ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế. Danh hiệu Hoa hậu áo dài Việt Nam 2019 thật bất ngờ và đây là giải thưởng đã thỏa lòng mong ước được mặc áo dài của tôi từ tấm bé.

Khi nhắc đến áo dài, nhà thiết kế Sĩ Hoàng bày tỏ: Áo dài- trang phục truyền thống như là một biểu tượng khi nhắc đến Việt Nam. Loại trang phục được yêu mến này không phân biệt giới tính, tuổi tác, vóc dáng của người mặc. Áo dài không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn mang đến cho bạn bè thế giới sự ngưỡng mộ. Đây là một trang phục mang đầy tính thuyết phục bởi chính sự linh hoạt biến đổi dần trong quá trình phát triển và định hình ở mức độ cô đọng nhất.

“Áo dài còn thể hiện rõ đặc điểm, tính cách người phụ nữ Việt Nam, đẹp một cách tế nhị, kín đáo, cái đẹp của ngoại hình phải thấy được cái dịu dàng ý tứ, đạo đức bên trong. Có lẽ vì thế chiếc áo dài là một trong số ít những trang phục truyền thống còn đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc. Áo dài vẫn đầy tính thuyết phục với sự chọn lựa tôn vinh vẻ đẹp của người mặc bên cạnh sự đa dạng phong phú của các loại âu phục hiện đại”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Là một trong những địa điểm tham quan thường xuyên đón rất nhiều du khách nước ngoài, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có chủ trương và yêu cầu tất cả các thuyết minh viên đều mặc trang phục áo dài khi hướng dẫn khách tham quan.

Chị Phạm Thị Hoàng My, cán bộ Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: "Chúng tôi rất tự hào khi hàng ngày được khoác trên mình bộ trang phục áo dài để giới thiệu về hiện vật lịch sử, địa điểm đã ghi dấu những năm tháng chiến tranh gian khổ của các cựu tù chính trị trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc".

Trong tà áo dài truyền thống thướt tha, các nữ thuyết minh viên của khu di tích Nhà tù Hỏa Lò đã góp phần lan tỏa hình ảnh của trang phục mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam đến với du khách nước ngoài.

Để góp phần quảng bá và tôn vinh áo dài Việt Nam, tạo môi trường sáng tạo cho các nhà thiết kế, nghệ nhân và người yêu áo dài… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức Cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt” nằm trong chuỗi các hoạt động với chủ đề “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam”.

Mỗi tác giả được tham dự được thiết kế 5 mẫu. Ban tổ chức (BTC) nhận mẫu phác thảo dự thi từ ngày 8-3 đến hết ngày 30-6. Các mẫu vào vòng chung kết thể hiện trên chất liệu vải gửi về BTC từ ngày 15-7 đến hết ngày 15-9. Thiết kế tham gia được tuyển chọn và chấm qua 2 vòng. Vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 1 đến 10-7. Tại vòng này, BTC sẽ xét chọn khoảng 60 bộ tác phẩm trong số các mẫu phác thảo tham dự để tác giả tiếp tục thực hiện mẫu thật. Vòng Chung kết diễn ra từ 5 đến 1-10. Địa chỉ nhận tác phẩm: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển-Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội).

Lễ trao giải và trình diễn các tác phẩm đoạt giải được tổ chức trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-2020) tại Hà Nội.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/quang-ba-va-ton-vinh-ao-dai-viet-nam-615312