Quảng bá vải thiều Lục Ngạn - tinh hoa trái cây Việt đến muôn nơi

Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo được mùa. Để có mùa vải thành công, đồng hành cùng nhà vườn, doanh nghiệp, địa phương đã chủ động các giải pháp xúc tiến tiêu thụ, góp phần quảng bá vải thiều Lục Ngạn - tinh hoa trái cây Việt đến muôn nơi. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Đào Công Hùng, Quyền Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

Ngay từ đầu vụ, người sản xuất vải thiều phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về nước tưới. Xin đồng chí cho biết các vùng trồng tại địa bàn bị ảnh hưởng như thế nào?

Đồng chí Đào Công Hùng: Năm 2025 được đánh giá là năm tỷ lệ ra hoa, đậu quả của vải thiều cao với tỷ lệ ra hoa hơn 90%, tỷ lệ đậu quả hơn 70%. Tuy nhiên từ sau cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024 đến trung tuần tháng 4/2025 trên địa bàn huyện không có mưa, nước tại các hồ đập, sông suối khô cạn, mực nước ngầm giảm sút dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, cây vải thiều nói riêng trên địa bàn huyện.

 Đồng chí Đào Công Hùng thăm vùng trồng vải ở xã Giáp Sơn.

Đồng chí Đào Công Hùng thăm vùng trồng vải ở xã Giáp Sơn.

Qua thống kê, toàn huyện có 10.348 ha vải thiều thì có đến 4.160 ha thiếu nước, không chủ động được nước tưới (chiếm 40% diện tích). Việc thiếu nước tưới dẫn đến 1 số diện tích cây vải ở trên đồi cao bị chết, tập trung tại các xã: Hộ Đáp, Tân Hoa, Phong Vân, Tân Sơn. Trước thực tế đó, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các xã huy động mọi nguồn lực, biện pháp để có nước tưới cho cây trồng. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải trong điều kiện thiếu nước tưới.

Nhờ đó đã giảm được một phần thiệt hại do thiếu nước. Sau đó, từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện các đợt mưa vừa đến mưa to, đã khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu nước đối với sản xuất và sinh hoạt của người dân. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khuyến cáo Nhân dân tích cực chăm sóc nhằm tạo ra vụ vải thiều có chất lượng sản phẩm tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe nhất của các thị trường lớn trên thế giới. Hiện nay, vải đang sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, trà vải sớm đang ở giai đoạn phát triển cùi, trà vải chính vụ đang giai đoạn phát triển quả non; thời gian dự kiến thu hoạch đối với vải sớm từ 25/5, vải thiều chính vụ khoảng từ 15/6 trở đi.

Những khó khăn trong sản xuất đã được khắc phục, tín hiệu tốt báo hiệu được mùa vải thiều. Để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” nông sản, năm nay huyện tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào để xúc tiến, tiêu thụ, thưa đồng chí?

Đồng chí Đào Công Hùng: Vụ vải thiều năm nay được đánh giá là được mùa do điều kiện thời tiết thời điểm này tương đối thuận lợi. Cùng đó, người dân trồng vải áp dụng đúng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chức năng trong quá trình chăm sóc sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, mã đẹp.

UBND huyện đã sớm xây dựng Kế hoạch về thực hiện các biện pháp hỗ trợ Nhân dân tiêu thụ vải thiều và xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng gắn với Chương trình du lịch huyện Lục Ngạn năm 2025. Trong đó, cuối tháng 5, huyện tổ chức đoàn công tác đi tìm hiểu thị trường, xúc tiến tiêu thụ, chế biến đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh; gặp mặt, trao đổi các thông tin đến tiêu thụ vải thiều với lãnh đạo thành phố Thủ Đức, Ban Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, lãnh đạo quận 8 và Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 6, huyện thành lập 2 đoàn công tác làm việc với Ban Quản lý khu Kinh tế Lào Cai; các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn gồm Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Hải quan, Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, Chi cục Kiểm dịch vùng 7, Ban Quản lý cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) về các quy định về xuất khẩu.

 Khu vực thôn Muối, xã Giáp Sơn được chọn là địa điểm tổ chức khai mạc "Chương trình du lịch vải thiều Lục Ngạn - Tinh hoa trái cây Việt" trong vụ vải này.

Khu vực thôn Muối, xã Giáp Sơn được chọn là địa điểm tổ chức khai mạc "Chương trình du lịch vải thiều Lục Ngạn - Tinh hoa trái cây Việt" trong vụ vải này.

Đặc biệt, UBND huyện xây dựng Kế hoạch tổ chức “Chương trình du lịch vải thiều Lục Ngạn - Tinh hoa trái cây Việt” nhằm tôn vinh người làm vườn với nhiều nội dung hấp dẫn như chương trình văn nghệ có sự tham gia của ca sĩ, diễn viên nổi tiếng; thi hái vải… Chương trình khai mạc được tổ chức tại thôn Muối, xã Giáp Sơn nhằm đề cao những giá trị tinh hoa trong sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm trái cây chất lượng cao, vải thiều Lục Ngạn - đặc sản Việt Nam nổi tiếng thế giới; quảng bá giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, vùng đất, con người Lục Ngạn thân thiện, mến khách nhằm thu hút du khách đến tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thông qua các hoạt động tiếp tục giới thiệu, quảng bá vải thiều và các loại trái cây, đặc sản của Lục Ngạn đến du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, huyện xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi, tạo uy tín với người tiêu dùng, vì vậy huyện cũng chỉ đạo theo dõi sát sao diễn biến tình hình sản xuất, phát hiện sâu bệnh hại; khuyến cáo Nhân dân biện pháp chăm sóc kịp thời; tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp phục vụ việc đầu tư chăm sóc vải, triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh vải thiều, nhất là vải thiều an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải thiều… Thông qua các hoạt động để giới thiệu, quảng bá vải thiều và các loại trái cây, đặc sản của Lục Ngạn đến du khách trong và ngoài nước.

Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị cho tiêu thụ sản phẩm đến thời điểm này ra sao?

Đồng chí Đào Công Hùng: Cùng với cấp ủy, chính quyền, người trồng vải, tại địa bàn huyện, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng, dịch vụ phụ trợ luôn bảo đảm cung ứng đủ sản phẩm cho các hoạt động thu mua, đóng gói, vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, có 13 kho xốp chứa khoảng 567.000 thùng dự trữ tại các kho; toàn huyện có hơn 15 cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp, công suất khoảng 18.000 cây đá; cao điểm có thể cung ứng phục vụ hoạt động đóng gói quả vải tươi đạt khoảng 20.000 cây đá/ngày đáp ứng nhu cầu đóng gói khoảng 1.500 tấn vải tươi/ngày. Ngoài ra còn có khoảng 1.000 lò sấy của các hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu sấy khoảng 6.000 tấn vải.

Ngành Điện, ngân hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận tải… cũng sẵn sàng các điều kiện phục vụ mùa vải.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản đang được nhiều địa phương quan tâm, với Lục Ngạn thì hoạt động này được thúc đẩy ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Đào Công Hùng: Ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số nông nghiệp và nhu cầu thị trường ngày càng cao, giúp mở rộng thị trường và nâng cao giá trị kinh tế của loại trái cây đặc sản này. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống như năm trước tại chợ đầu mối các tỉnh, thành cả nước, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, vải thiều Lục Ngạn được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử gồm: Sendo (FPT), voso (viettelpost), Tiki-BigC/GO!, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost).

Để thúc đẩy hoạt động này, UBND huyện tổ chức hội nghị tập huấn chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.

Phối hợp với Sở Công Thương tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho giám đốc các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đồng thời cách khai thác các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội và livestream bán hàng để tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng; áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để tăng độ tin cậy, kết hợp với dịch vụ vận chuyển linh hoạt nhằm bảo đảm vải thiều đến tay khách hàng tươi ngon nhất.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trường Sơn (thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quang-ba-vai-thieu-luc-ngan-tinh-hoa-trai-cay-viet-den-muon-noi-postid418309.bbg