Liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ để đảm bảo ATTP
Hà Nội đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái thực phẩm an toàn, minh bạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Khu sản xuất rau, quả của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) có hơn 13 ha diện tích canh tác. Đơn vị đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hàng ngày, hợp tác xã cung cấp cho hệ thống siêu thị, trường học và bệnh viện từ 3 đến 4 tấn rau.
Ông Hoàng Văn Khảm (Chương Mỹ) cho biết: “Nếu đã làm cho hợp tác xã thì tất cả các quy trình kỹ thuật như: quy trình thuốc bảo vệ thực vật, quy cách rau... chúng tôi đều phải tuân thủ quy trình của hợp tác xã”.
"Đối với cây rau, muốn tạo ra chỗ đứng giữa thị trường, trên xã hội, thì phải chất lượng. Đầu tiên là phải kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo đến người tiêu dùng chất lượng an toàn. Bởi vì bây giờ nhiều gia đình, đơn vị có thể phân tích mẫu bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Rau sản xuất ra phải an toàn và để làm được điều này, chúng tôi đang ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc về tận chân ruộng", ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho hay.
Bên cạnh việc hỗ trợ các mô hình sản xuất sạch, thành phố Hà Nội cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Dịch vụ & Thương mại An Quý (huyện Mê Linh) - đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể. Qua đó hướng dẫn đơn vị sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn và nâng cao văn hóa tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Bà Đỗ Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ & Thương mại An Quý cho biết: "Tôi cũng rất mong muốn các cơ quan nhà nước tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, từ khâu đầu vào trồng trọt, chăn nuôi".
Để hạn chế thực phẩm không rõ nguồn gốc, Hà Nội hiện phối hợp với các tỉnh, thành phía Bắc, kiểm soát dịch bệnh và hệ thống trao đổi thông tin, nhằm cảnh báo sớm các ổ dịch và truy xuất nguồn gốc động vật nhập vào thành phố.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y vùng 1- Cục thú Y cho rằng: "Việc Hà Nội tổ chức phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật với 25 tỉnh, thành phía Bắc đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho hơn 10 triệu người dân của thành phố và rất nhiều khách quốc tế".
Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng, Hà Nội đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái thực phẩm an toàn, minh bạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển nông nghiệp bền vững.