Quảng bá, xuất khẩu văn học Việt ra thế giới:Kỳ vọng bứt phá hơn nữa

Văn học là một trong những công cụ, phương thức hiệu quả để quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Không ít tác phẩm văn học Việt đã được mua bản quyền, dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia, tạo tiếng vang, song hầu hết chỉ là nỗ lực của vài đơn vị, cá nhân. Để hành trình xuất khẩu văn học Việt có sự bứt phá hơn cần một chiến lược bài bản và hỗ trợ của các cấp, ngành.

Những chuyển động mới

Cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long) được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Ảnh: Chibooks

Cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long) được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Ảnh: Chibooks

Tiếp tục lựa chọn dịch và tìm đường xuất khẩu bản quyền, trong tuần qua, Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) làm việc với tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng và ký kết hợp đồng đại diện hai tác phẩm mới là “Việt Nam - Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”, thuộc thể loại tản văn, ký, khảo cứu. Hai cuốn sách hiện đang được tiến hành dịch sang tiếng Trung để “xuất ngoại”.

Trước đó, vào tháng 11-2024, tại Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc - Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Nam Ninh (Trung Quốc), hai tác phẩm của Chibooks là tản văn “Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và cuốn ký, khảo cứu “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long) đã trở thành những sách văn hóa Việt đầu tiên được tổ chức dịch sang tiếng Trung và xuất bản tại Trung Quốc một cách chính quy, bài bản.

Giữa năm 2024, tiểu thuyết “Biên sử nước” (tựa tiếng Anh “Water - A Chronicle”) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do dịch giả Nguyễn An Lý chuyển ngữ tiếng Anh đã được ra mắt tại Anh, qua Nhà Xuất bản Major Books. Tác phẩm đã được được trao giải PEN Translates của English PEN (Hiệp hội Văn bút Anh). Sau khi xuất bản tập thơ “Sự bắt đầu của nước” (tựa tiếng Anh “The Begining of Water”) tại Mỹ và Hungary, nhà thơ Trần Lê Khánh tiếp tục có 2 tập thơ được nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl chuyển ngữ sang tiếng Anh để xuất bản ở nước ngoài. Trong đó, tập thơ “Đồng” vừa nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024, tập thơ “Ngàn bài thơ khác” (tựa tiếng Anh “The Sum of Now”) sắp xuất bản tại Mỹ...

Bên cạnh các tác phẩm văn học đã được chuyển ngữ và đến với độc giả nước ngoài, thời gian gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ký kết hợp tác quốc tế, mở ra những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dịch thuật và quảng bá văn học Việt ra thế giới. Cuối năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan ký hợp tác dịch và xuất bản các tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Sông núi trên vai” - tuyển thơ của các nhà thơ Việt Nam sang tiếng Urdu (ngôn ngữ của Pakistan) tại nước bạn. Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục ký biên bản ghi nhớ với 3 tổ chức văn học và văn hóa Đài Loan (Trung Quốc) nhằm hướng tới trao đổi dịch thuật, xuất bản tác phẩm văn học hai bên…

Cần sự hỗ trợ đa cấp, đa ngành

Bên cạnh xuất bản trong nước, sách xuất khẩu đang được nhiều đơn vị xuất bản quan tâm, đầu tư. Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) Nguyễn Lệ Chi cho biết, đơn vị tiến hành quảng bá sách văn hóa, văn học Việt ra nước ngoài bằng nhiều cách, trong đó giao dịch bản quyền sách là một cách làm thông dụng và dễ triển khai. Năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu lựa chọn, dịch và giới thiệu ít nhất 500 tựa sách Việt Nam sang tiếng Trung để phía xuất bản nước bạn lựa chọn mua bản quyền.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện việc quảng bá, xuất khẩu văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn chủ yếu từ sự vận động của cá nhân, đơn vị nhỏ. Dịch giả Lê Đăng Hoan, người có nhiều năm chuyển ngữ văn học Việt sang tiếng Hàn cho rằng, để đưa tác phẩm của tác giả Việt ra thế giới, không thể chỉ có nỗ lực nhỏ lẻ, mà cần đến sự hậu thuẫn, giúp đỡ từ các cấp, ngành, của Nhà nước. Điều này cần được làm một cách bài bản trong tất cả các khâu tuyển chọn tác phẩm, dịch thuật, xuất bản, phát hành.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn học là bộ hồ sơ quan trọng nhất và tin cậy nhất về những vẻ đẹp lương tri và khát vọng chân chính của một dân tộc. Xuất khẩu văn chương giúp thế giới đi đến sự hiểu biết hơn nữa những vẻ đẹp dân tộc đó. Nhiều năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có các hoạt động tích cực như tổ chức hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, các liên hoan thơ quốc tế và hợp tác xuất bản quốc tế… Song, để hiệu quả hơn nữa phải có một chiến lược dài hơi, như các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã vươn ra thế giới đầy mạnh mẽ, đồng bộ với những trung tâm, quỹ cho hoạt động đào tạo, dịch thuật, quảng bá. Còn theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, nên lập một trung tâm dịch thuật quốc gia, giống như cách làm của Hàn Quốc đang rất thành công,

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Nguyên cũng thừa nhận, so với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu sách của nước ta còn khá khiêm tốn. Ngành xuất bản nói chung và các đơn vị nói riêng vẫn thiếu chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Về phía cơ quan quản lý, cùng với việc tổ chức hội sách bản quyền các nước tại Việt Nam; mời các đơn vị xuất bản, tác giả tiêu biểu tham gia các hội chợ sách lớn trên thế giới hằng năm, tới đây, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản để tạo thêm điều kiện thuận lợi, hỗ trợ xuất khẩu văn học, sách Việt Nam.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quang-ba-xuat-khau-van-hoc-viet-ra-the-gioi-ky-vong-but-pha-hon-nua-697329.html