Quảng Bình: Cần quan tâm, đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, vai trò của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe của bà con đồng bào là rất quan trọng, cần được quan tâm hàng đầu.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa có buổi làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Hồ An Phong chủ trì buổi làm việc.

Ông Hồ An Phong chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc như việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ và giải ngân các nguồn vốn; một số nguồn đầu tư còn chồng chéo; vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…

Liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào, ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình có báo cáo về việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các cơ sở y tế.

Tại Quảng Bình có 15 xã thuộc các huyện miền núi có trạm y tế phải đầu tư. Trong đó, một số trạm y tế đã có nguồn đầu tư và tiến hành xây mới, sửa chữa. Hiện vẫn còn một số trạm y tế đã hư hỏng, xuống cấp nặng nhưng chưa có nguồn vốn để tiến hành sửa chữa, xây mới. Trong đó đặc biệt là Trạm Y tế Dân Hóa - đây là trạm y tế sát khu vực cửa khẩu, tình trạng xuống cấp tại trạm này đã khá nghiêm trọng.

Cơ sở vật chất của Trạm Y tế Dân Hóa xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh.

Cơ sở vật chất của Trạm Y tế Dân Hóa xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh.

"Qua kiểm tra của Sở Y tế, hiện Trạm Y tế Dân Hóa chưa có nguồn đầu tư, chỉ trông chờ vào nguồn của chương trình mục tiêu quốc gia. Rất mong được sự quan tâm để đầu tư xây dựng, sửa chữa cho trạm này", Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình thông tin.

Cùng với đó, tại huyện Minh Hóa, các Trạm Y tế Hóa Sơn, Thượng Hóa, Hóa Hợp cũng gặp tình trạng xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp. Huyện Lệ Thủy có Trạm Y tế Ngân Thủy, Lâm Thủy cũng đang cần nguồn đầu tư. Với một số trạm y tế vùng đồng bào tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa đã được quan tâm đầu tư sửa chữa.

Phát biểu liên quan đến vấn đề này, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, vai trò của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe của bà con đồng bào là rất quan trọng, cần được quan tâm hàng đầu.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con đồng bào dân tộc cần được chú trọng và đẩy mạnh.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con đồng bào dân tộc cần được chú trọng và đẩy mạnh.

"Chúng ta làm công tác dân tộc có thể thấy, mới chục năm lại đây thôi, người dân còn ra sinh nở ngoài khe, đau ốm thì cúng Giàng, cúng ma chứ ít khi đến trạm y tế. Nếu y tế không quan tâm thì sức khỏe, giống nòi của đồng bào sẽ bị ảnh hưởng. Rất nhiều vấn đề trong công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào cần được tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu.

Ông Hồ An Phong đề nghị Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình và các sở ngành liên quan nghiên cứu các nguồn vốn phù hợp để tiến hành đầu tư sửa chữa các trạm y tế xuống cấp.

"Sự nghiệp y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe đồng bào rất quan trọng, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn. Với đề xuất của Sở Y tế, thì sẽ xem xét bố trí vốn cho các trạm hư hỏng tự sửa chữa, nếu thủ tục khó khăn thì giao cho huyện để tiến hành dự án sửa chữa các trạm y tế xuống cấp trên địa bàn", ông Hồ An Phong khẳng định.

Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Dân Hóa).

Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Dân Hóa).

Trước đó, Báo Sức khỏe và Đời sống đã có bài viết phản ánh về việc một số trạm y tế tại các xã miền núi của tỉnh Quảng Bình gặp tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Dân Hóa) nằm trên địa bàn xã miền núi vùng biên Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Cư dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nơi đây còn nhiều khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần được chú trọng.

Bác sĩ Cao Xuân Tiêm, Trạm trưởng Trạm Y tế Dân Hóa cho biết, trạm được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Với 2 tầng và 12 phòng chức năng, sau hơn 17 năm, nhiều hạng mục của trạm đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa.

Tình trạng xuống cấp, hư hại khiến hình ảnh của đơn vị y tế không được đẹp trong mắt người bệnh. Cùng với đó, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh, nguy cơ mất an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ và người dân.

Cũng tại huyện miền núi Minh Hóa, ít ai có thể tưởng tượng cảnh xuống cấp của trạm y tế thị trấn vùng trung tâm huyện. Bác sĩ Đinh Thị Châu, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Quy Đạt cho biết, sau hơn 12 năm đưa vào sử dụng, ít duy tu, trạm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tình trạng xuống cấp tại trạm Y tế thị trấn Quy Đạt.

Tình trạng xuống cấp tại trạm Y tế thị trấn Quy Đạt.

Nhìn từ ngoài, hầu như toàn bộ mặt sơn của trạm đã phai màu, bong tróc. Hệ thống cửa hư hỏng được chằng chống tạm bợ bằng các loại dây thép, dây dù. Chân móng, tường nhà, lan can có nhiều vết nứt. Hệ thống điện ngầm hư hỏng, trạm phải bỏ kinh phí bắt hệ thống điện tạm để hoạt động. Một số phòng chức năng phải đóng cửa im lìm vì không đảm bảo chất lượng để sử dụng. Hệ thống tường rào bao quanh được làm tạm bợ bằng căng dây thép gai.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bắc Việt - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, trước những khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư của ngành y tế địa phương, UBND huyện cũng đã có sự quan tâm, hỗ trợ. Cùng với đó phối hợp với ngành y tế báo cáo, đề xuất lên các cấp, để có biện pháp xử lý, hỗ trợ giải quyết các khó khăn nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Y Tế Đề Xuất Gì Cho Cơ Chế Dự Trữ Thuốc Hiếm? | SKĐS

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-binh-can-quan-tam-dau-tu-cho-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-dong-bao-dan-toc-169230528165255601.htm