Quảng Bình: Còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới
Việc thực hiện tiêu chí số 4 điện nông thôn, tiêu chí số 7 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại Quảng Bình còn một số bất cập do đặc thù địa phương.
Ngày 14/11/2023, Cục Công Thương địa phương (Cục CTĐP) - Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ Công Thương do ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình về kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách.
Báo cáo tại buổi làm việc, Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, Sở đã thành lập Tổ xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình tổ chức bộ máy của cơ quan qua từng thời kỳ để tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, đối với việc triển khai thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn), Sở Công Thương đã căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và các văn bản quản lý, điều hành của các cấp chính quyền để triển khai.
Cụ thể, đối với tiêu chí số 7, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 141 chợ đang hoạt động theo đúng quy hoạch, trong đó, có 22 chợ thành thị và 119 chợ nông thôn. Tại các huyện, thị xã, thành phố tùy vào tình hình thực tế của địa phương đã triển khai xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thị xã, thành phố trong đó có quy hoạch về hệ thống chợ của địa phương. Mặt khác, bên cạnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã lập chương trình, kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện tiêu chí về chợ nông thôn trên địa bàn mình quản lý.
Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nội bộ dân cư quanh khu vực chợ, do đó, về tính chất kinh doanh chủ yếu là những hàng hóa tiêu dùng thông thường.
Tuy vậy, cơ sở hạ tầng thương mại tại các chợ nông thôn còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số chợ được xây dựng kiên cố, còn lại các chợ phục vụ dân sinh (hạng III) chủ yếu là chợ bán kiên cố và chợ cóc, chợ tạm cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa có nhà lồng chợ để phục vụ cho việc buôn bán kinh doanh, các điểm kinh doanh trong chợ dựng lên bằng lều, bạt, tranh tre, nứa lá để buôn bán. Hệ thống cấp thoát nước của các chợ chưa đảm bảo. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, nhiều chợ chưa có công trình vệ sinh công cộng. Hầu hết các chợ không có hệ thống chiếu sáng, nước sạch, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch vụ hỗ trợ, chỉ có một số chợ có dịch vụ cho thuê kho còn lại các dịch vụ khác chưa phát triển.
Công tác dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại các chợ đang còn nhiều bất cập do không có nơi tập kết, tiêu hủy rác thải hợp lý, gây mất vệ sinh môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh khu vực chợ. Trang thiết bị phòng chống cháy nổ tại các chợ còn thiếu đồng bộ nên ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng cháy chữa cháy. Một số chợ xây dựng không phù hợp với quy hoạch, xa khu dân cư, giao thông đi lại không thuận tiện, vị trí kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến khi xây xong chợ bị bỏ hoang hoặc phải chuyển mục đích sử dụng khác gây lãng phí và không hiệu quả trong đầu tư xây dựng công trình. Việc xây dựng chợ theo các tiêu chí và quy hoạch nông thôn mới gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn huy động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các hộ kinh doanh hạn chế nên nhiều hạng mục công trình không thể hoàn thành đồng bộ theo quy định để hoàn thành tiêu chuẩn chợ đạt tiêu chí số 7. Công tác quy hoạch nông thôn mới gắn với việc giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp, di dời các chợ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán kinh doanh của các thương nhân và làm thay đổi thói quen đi chợ, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa mua sắm của người dân khi đến địa điểm mới.
Đối với tiêu chí số 4, tính đến nay, tại tỉnh Quảng Bình có 124/128 xã đạt tiêu chí điện, chiếm 96,9% số xã, trong đó: Số xã đạt tiêu chí 4.1: 124/128 xã; Số xã đạt tiêu chí 4.2: 124/128 xã (còn 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình chưa đạt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh và xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy bị sụt giảm).
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - cho hay, trong 14 tiêu chí thì ngành Công Thương có 2 tiêu chí số 4 và số 7 là những tiêu chí rất quan trọng, trong đó tiêu chí số 7 là hạ tầng thương mại nông thôn hiện còn khá phức tạp vì liên quan đến thói quen đời sống văn hóa kinh tế - xã hội đặc thù mỗi vùng miền.
Ở tiêu chí số 4, ở các xã miền núi hiện còn rất khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí điện. Hiện nay, vẫn còn một số bản ở các xã miền núi còn sử dụng năng lượng mặt trời, do đó để phát triển sản xuất các mô hình nông nghiệp mới áp dụng công nghệ còn gặp khó vì chưa có điện.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình cũng kiến nghị với Cục Công Thương địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn địa phương cụ thể về hành lang pháp lý và cơ sở triển khai, tháo gỡ các vướng mắc đến tiêu chí số 4 và số 7 giúp sớm hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới.
Ông Trần Văn Huân- Vụ Thị trường trong nước- Bộ Công Thương cho hay, đối với tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn, Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách, lồng ghép các chương trình dân tộc thiểu số và phát triển thương mại thị trường miền núi để phát triển tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn nói chung và chợ nói riêng.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đánh giá địa phương đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, đề nghị Sở và địa phương xây dựng các kế hoạch liên quan đến những tiêu chí của ngành Công Thương trong xây dựng các tiêu chí nông thôn mới.
Lợi ích cốt lõi của nông thôn mới là nâng cao đời sống của nhân dân, do đó đề nghị bám chặt các tiêu chí, không hạ tiêu chí; đối với các xã đã đạt tiêu chí thì tiếp tục duy trì. Đối với công tác xã hội hóa các chợ, nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân.