Quảng Bình: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp
Năm 2019, ngành Công Thương Quảng Bình cùng phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp công ngiệp trên địa bàn như hỗ trợ các thủ tục về nguồn vốn, mặt bằng, nguyên liệu, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác.
Bên cạnh đó, không chỉ trông chờ vào các chính sách ưu đãi của tỉnh Quảng Bình, bản thân các cơ sở sản xuất công nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng ở các ngành gia công. Qua đó, một số dự án sau khi được đầu tư, đi vào hoạt động đã đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng khá và vượt kế hoạch đề ra.
Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước năm 2019 tăng 7,4% so với năm 2018 (kế hoạch giao 7,1%); trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 8,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12.242 tỷ đồng, tăng 8,36% so với năm 2018 (kế hoạch giao 8,0%); trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 11,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%.
Ngoài ra, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, một số cơ sở may mặc, kính cường lực, chế biến thủy hải sản, mộc mỹ nghệ, sửa chữa và gia công cơ khí,... được đầu tư đưa vào sản xuất đã giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Bình, năm 2019, mặc dù nền kinh tế có nhiều biến động, thị trường bấp bênh nhưng hầu hết sản phẩm công nghiệp trên địa bàn Quảng Bình đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong 19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh thì có 17 sản phẩm tăng trưởng khá như tinh bột sắn tăng 18,8%; gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản tăng 14,3%; đá xây dựng tăng 9,7%; clinker tăng 9,4%; xi măng tăng 7,9%; áo sơ mi người lớn tăng 8,9%; quặng ti tan tăng 8,8%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt tăng 8,7%; cao lanh tăng 8,6%; dăm gỗ tăng 8,6%; cá đông lạnh tăng 8,3%. Chỉ có 2 sản phẩm có mức tăng trưởng giảm đó là cao su tổng hợp và cao su tự nhiên giảm 6,9%, bia các loại giảm 59,3%.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngành, doanh nghiệp gặp khó trong quá trình sản xuất kinh doanh như bia, chế biến cao su, gạch không nung… và một số cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn đang dừng sản xuất (xi măng Áng Sơn, Thanh Trường, xi măng Số 1). Nhiều dự án công nghiệp lớn trên địa bàn bị chậm tiến độ (nhiệt điện Quảng Trạch I và II, chế biến gỗ, viên nén năng lượng…), một số dự án công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động nhưng hiện nay chưa phát huy hiệu quả.…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - Phan Hoài Nam - cho biết, thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cấp, ngành chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình, có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp về thị trường, thuế, vốn, nguyên liệu, điện... để khai thác tốt công suất của các nhà máy hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp lớn đang triển khai như nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và II, nhà máy chế biến gỗ OKAL, gỗ MDF, chế biến thủy sản, dự án điện mặt trời của Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc), dự án điện mặt trời của Tập đoàn Sơn Hải, các dự án đường dây và trạm biến áp 500-220-110kV theo quy hoạch.... Nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2020 và các năm tiếp theo, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp bền vững, ông Nam cho biết thêm.