Quảng Bình 'hợp thức hóa' cho khu du lịch từng hoạt động không phép giữa rừng
Tỉnh Quảng Bình vừa đồng ý chủ trương cho phép Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh liên kết, phối hợp với đơn vị đủ điều kiện theo quy định để khai thác tạm thời sản phẩm du lịch 'Khám phá thiên nhiên Chà Rào - Chà Cùng' ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Đáng nói, đây là khu vực một số cá nhân khai thác dịch vụ du lịch trái phép giữa rừng và đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” trước đó.
Khu vực suối Chà Cùng thuộc tiểu khu 383; suối Chà Rào thuộc tiểu khu 554, nằm trong quy hoạch rừng sản xuất do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình quản lý. Trước đó, một số cá nhân đã mở khu du lịch hoạt động tự phát, không có giấy phép khai thác du lịch tại khu vực suối Chà Cùng và suối Chà Rào, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Như VOV đã đưa tin, những người làm dịch vụ du lịch tự phát mở con đường lớn, phát quang cây cối 2 bên đường để xe ô tô vào 2 khu vực suối này, làm khu vực đậu xe, dựng sạp cho thuê, dựng lán, dựng cầu bắc qua suối và mở các dịch vụ tham quan, ăn uống tại đây.
Lực lượng chức năng yêu cầu dừng hoạt động khai thác du lịch tại suối Chà Cùng và suối Chà Rào; tháo dỡ các lán trại và các trò chơi đu dây, máng trượt. Chính quyền địa phương yêu cầu những người này lập Đề án khai thác tham quan du lịch thử nghiệm tại 2 địa điểm thuộc suối Chà Cùng và suối Chà Rào trình cơ quan chức năng phê duyệt mới có thể hoạt động.
Đến nay, tỉnh Quảng Bình cho phép Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh liên kết, phối hợp khai thác tạm thời sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên Chà Rào - Chà Cùng”. Tỉnh yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh và đơn vị khai thác căn cứ tình hình thời tiết, sắp xếp lộ trình tham quan cho các đoàn khách hợp lý, đảm bảo an toàn và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.
Đơn vị khai thác được giao khai thác sản phẩm du lịch có thể điều chỉnh số lượng khách trong thời gian khai thác tạm thời nhưng phải có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh hoặc đơn vị được ủy quyền trước khi thực hiện. Thời gian khai thác tạm thời là 12 tháng kể từ khi UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng nguồn thu từ dịch vụ tham quan và Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng với đơn vị khai thác.
Kết thúc thời gian khai thác tạm thời, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quảng Ninh báo cáo kết quả khai thác gửi Sở Du lịch thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chủ rừng phải lập đề án bảo vệ môi trường rừng, được sự phê duyệt của UBND sau đó mới được phép khai thác các điểm du lịch dưới tán rừng. Sở Du lịch cũng thẩm định hồ sơ của họ để xem họ làm có đảm bảo quy trình hay không. Còn trước mắt chủ rừng chưa có đề án đó thì Sở Du lịch, UBND cũng linh động cho chủ rừng đó hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân làm thí điểm, phối hợp với nhau để làm đề án thí điểm khai thác"./.