Quảng Bình: Nhiều người 'sập bẫy' môi giới xuất khẩu lao động
Vì cuộc sống khó khăn nên nhiều người đã lựa chọn hình thức xuất khẩu lao động để hi vọng kiếm thu nhập, thay đổi đời sống.
Thế nhưng, cũng vì nhẹ dạ cả tin, mà họ đã sa phải bẫy của những kẻ lừa đảo để rồi “tiền mất, tật mang”.
Nhẹ dạ - “tiền mất, tật mang”
Trong những năm qua, xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài là hướng đi được nhiều người lựa chọn nhằm để kiếm thêm thu nhập, thay đổi cuộc sống. Cũng chính từ xuất khẩu lao động mà nhiều người, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thế nhưng, cũng có rất nhiều người dân vì thiếu hiểu biết đã sa bẫy của những kẻ lừa đảo, để rồi chỉ nhận lại những lời hứa hẹn và ôm đống nợ khổng lồ chưa biết đến ngày nào trả hết được.
Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1987), trú tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những nạn nhân của những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động, vì nhẹ dạ cả tin chị đã cầm cố sổ đỏ, nộp hàng trăm triệu đồng với mong muốn sang Đức lao động.
Thế nhưng, tiền thì đã chuyển cho người giới thiệu nhiều năm nhưng đến nay, việc xuất khẩu lao động với chị Hoa vẫn chỉ dừng ở lời hứa. Theo chị Hoa, chị đã chuyển tiền cho người môi giới 4 lần với tổng số tiền là 12.500 euro (hơn 300 triệu đồng).
“Gia đình hoàn cảnh, con thì còn tuổi ăn học, ở nhà làm lụng vất vả nhưng cũng chẳng thể đủ trang trải trong gia đình và lo cho con ăn học nên tôi đã cắm sổ đỏ, nhờ người giới thiệu để đi Đức lao động. Vì cũng là người trong làng, quen biết, tin tưởng nên tôi đã chuyển hơn 300 triệu đồng, họ cũng hứa ít tháng sẽ có lịch bay, thế nhưng mấy năm rồi vẫn chưa đi được, mà tiền thì cũng chẳng thể lấy lại”, chị Hoa cho hay.
Chẳng thể làm thủ tục xuất khẩu lao động nước ngoài như mong muốn, trong khi đó, hơn 3 năm qua, chị Hoa vẫn phải gồng gánh số nợ khổng lồ và tiền lãi hàng tháng phải trả cho ngân hàng. Đã nhiều lần người phụ nữ này liên hệ, gọi điện cho người giới thiệu nhưng đều vô ích, thậm chí còn bị đe dọa.
Không chỉ chị Hoa, mà anh Lê Hữu Nghị (SN 2000), trú tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cũng là một trong những nạn nhân của những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động. Theo anh Nghị, sau khi học xong THPT, bản thân anh có nguyện vọng đi Úc làm việc nên đã lên mạng tìm hiểu.
“Sau khi tìm hiểu thì em được một người tên Hiền, trú TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, gọi điện trao đổi và nói chị ấy là người chuyên môi giới cho lao động xuất khẩu và giới thiệu em đến một trung tâm tư vấn du học uy tín có địa chỉ tại TPHCM.
Sau đó, em vào TPHCM, qua trao đổi trực tiếp thì họ nói muốn đi Úc chi phí là 313 triệu đồng và yêu cầu nộp để làm thủ tục. Họ cũng làm biên bản nhận tiền, hợp đồng và hứa nếu trượt visa thì sẽ hoàn trả lại tiền và hồ sơ gồm học bạ, giấy tờ nên em mới tin. Thế nhưng từ đó đến nay cũng 2 năm rồi mà chẳng thấy họ thông tin lại, gọi điện thì họ không nghe máy”, anh Nghị buồn bã nói.
Cũng theo anh Nghị, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên bố mẹ anh đã vay tiền để cho anh đi nước ngoài, thế nhưng lại gặp phải đường dây lừa đảo, bây giờ gia đình lại phải gánh thêm khoản nợ ngân hàng mà việc cũng chẳng có. Hiện, anh đành phải vào cảng cá gần nhà xin bốc hàng thuê, gắng kiếm tiền mà trả nợ.
Cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo XKLĐ
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, địa phương này hiện có khoảng 11.500 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Tập trung ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Trong những năm qua, đã có không ít gia đình vươn lên, đổi đời vì nhờ có người thân, con cái đi xuất khẩu lao động mang về cho nguồn thu nhập khá, thế nhưng ngược lại cũng có không ít người phải gồng gánh khoản nợ khổng lồ vì giấc mơ xuất ngoại.
Có thể thấy, các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng môi giới xuất khẩu lao động, các trung tâm “ma” khiến rất nhiều người sập bẫy do không tìm hiểu kỹ, cũng như thiếu trang bị cho mình kiến thức, quy định pháp luật về xuất khẩu lao động, tin vào những lời hứa về công việc tốt, và mức thu nhập cao.
Mặc dù, các phương tiện thông tin đại chúng đã không ít lần cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động, thế nhưng nhiều người lao động đến từ các địa phương thuộc vùng quê, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu thông tin, kiến thức còn hạn chế. Thậm chí, một số người chủ quan, tin tưởng giao tiền cho những người môi giới mà không có bất kỳ một giấy tờ gì để xác nhận.
Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, có rất nhiều lao động cũng vì nhẹ dạ cả tin nên đã sập bẫy của những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động, không riêng gì trường hợp của chị Hoa, anh Nghị. Hiện, cả anh Nghị lẫn chị Hoa cũng đã có đơn trình báo đến cơ quan công an với mong muốn đòi lại công bằng cho bản thân.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu của người lao động để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật. Trong khi đó, nhiều người dân có nguyện vọng đi nước ngoài làm việc lại không đến các trung tâm uy tín mà thông qua “cò” môi giới, điều này dẫn đến nhiều rủi ro.
Bà Lan khuyến cáo, người lao động khi có nhu cầu đi nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, đến các trung tâm có uy tín, các đơn vị chức năng để được tư vấn. Tránh tình trạng bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Tiến Việt