Quảng Bình: Thân nhân liệt sỹ nhiều năm ròng chờ đợi được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà
'Gia đình tôi có những đóng góp nhất định với kháng chiến, cách mạng. Bản thân tôi là một thương binh, khi về già, nhà cửa xuống cấp, không biết vì lý do gì mà xin địa phương hỗ trợ một phần kinh phí để sữa chữa mãi chẳng được', cựu binh Lê Bá Xuân (88 tuổi), khẩn thiết trình bày.
Vợ chồng cụ Lê Bá Xuân nghẹn ngào bên di ảnh của liệt sỹ Lê Bá Linh
Khi vợ chồng cựu binh khóc
Sau những ngày thời tiết miền Trung mưa gió dị thường vì bão biển và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới áp sát, trong một ngày nắng nhạt trung tuần tháng 9, chúng tôi ghé thăm một số địa phương, kiểm tra tính hiệu quả của những công trình nhà ở hỗ trợ người có công trong những ngày biến động.
Bên cạnh những giá trị thiết thực và nhân văn của vô số công trình nhà ở được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sữa chữa, xây mới trải đều trên đất lửa Quảng Bình. Đâu đó, vẫn còn những hộ gia đình người có công nhiều năm xin được cấp kinh phí để sữa chữa nhà ở, vì nhiều nguyên nhân, đến nay họ vẫn mòn mỏi đợi chờ, bản thân vẫn buồn tủi và ấm ức.
Cụ ông Lê Bá Xuân (SN 1930, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) đáng lẽ giờ vợ chồng cụ đang được an vui, tranh thủ hưởng những ngày tháng êm đềm của phần sau cuộc đời. Thế nhưng những ngày gần đây lại đổ bệnh vì lo toan công tác sữa chữa nhà trong thời điểm mùa mưa bão.
Gặp mặt chúng tôi, cụ ông Lê Bá Xuân ấm ức kể: “Cơn bão số 4 cuối tháng 8 vừa rồi, khi đi vào đất liền, trong đêm 28/8 đã khiến một số đòn tay, rui mèn của căn nhà tôi bị gãy, kế đó nhiều viên ngói rơi xuống giường ngủ của tôi. Mái thủng, người may mắn bị xây xước nhẹ, nước mưa xối xả vào căn nhà cũ được xây cách đây hàng chục năm. Đêm ấy, chúng tôi không ngủ, tát quét nước ra khỏi nhà”.
Tạnh mưa, tạnh bão, vợ chồng cụ Xuân biết là nhà hư hại nghiêm trọng rồi, nhưng đã 2 lần thảo đơn nộp lên chính quyền cơ sở xin được xem xét, hỗ trợ kinh phí sữa chữa nhà trước đó, nhưng mãi vẫn chưa được xem xét, bố trí. Hư hao đã thấy rõ, bão lũ thì liên miên, nếu không tự xoay xở thì lâm vào cảnh bí bách. Buồn, ấm ức, vợ chồng cụ vay mượn bên ngoài mua góp vật liệu, thuê mướn thợ nề, nhờ các con hỗ trợ công sức, ngày công cùng tu bổ tường vách, thay đòn tay, rui mèn và lợp lại mái ngói.
“Với lại, nghe bảo rằng phải dùng gạch ngói cao cấp thì sau này mới được chính quyền hoàn trả kinh phí, gia đình tôi chỉ dùng được ngói Cầu 4 thôi”, cụ ông buồn rầu chia sẻ.
Cụ bà Hoàng Thị Dung (SN 1928) tay chỉ lên xà nhà và khóc: “Đấy, khung nhà gỗ này còn dấu vết chứng tích của chiến tranh, còn những mảnh pháo Canon từ khơi xa của quân giặc bắn vào. Trên thân thể ông nhà tôi hiện còn 2 mảnh đạn từ trận chiến Thanh Hương - Vị Xuyên năm 1952, nhằm tiêu diệt Trung đoàn 101, một tại vị trí cạnh xương sống, một ở phần đầu, mức độ thương tật được xác định là 41%. Bản thân tôi trước đây cũng là thanh niên xung phong”.
Thân nhân liệt sỹ nhà ở chắp vá
Căn nhà của cụ Lê Bá Xuân được xây cất trên 40 năm, sau ngày giải phóng, tường được xây bằng gạch thẻ, dùng dây tơ hồng quết với vôi Long Thọ để kết dính cùng một số vật liệu khác để làm vữa xây, hoàn toàn không có xi-măng, trụ sắt. Vợ chồng cụ đã ngang ngưởng 90 tuổi đời, tự lực nuôi nhau từng ngày.
Hơn 10 năm trước, nhà ở đã xuống cấp từng ngày, sau đấy ít lâu (năm 2010) các cụ đã viết đơn gửi đến UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh xem xét hỗ trợ kinh phí để các cụ sửa chữa lại một phần căn nhà, như là mái ngói hoặc nền nhà. Chứ cả căn nhà lớn quá, các cụ không gắng sức đối ứng làm nổi. Vậy nhưng sau khi báo cáo chính quyền đến tận năm 2018, gia đình cụ không nhận được phản hồi, hay hỗ trợ gì từ các chương trình chính sách, gia đình cụ tự tay sữa chữa, chắp vá.
Đầu năm 2018, các cụ lại viết đơn xin được hỗ trợ mái ngói để lợp lại, thế nhưng UBND xã Võ Ninh tiếp đơn, trả lời rằng chưa có nguồn kinh phí, gia đình mà làm thì tự mua vật liệu, khi làm chụp hình lại, làm minh chứng sau này địa phương hoàn trả khi được Trung ương cấp nguồn.
Các con cụ và thợ nề khẩn trương lợp lại mái ngói kẻo sợ trời đổ mưa bất ngờ.
Được biết, con trai cả của các cụ là liệt sỹ Lê Bá Linh (SN 1959) chức vụ Trung đội phó; đơn vị Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341A, đã hi sinh mặt trận phía Tây Nam ngày 29/5/1967. Hiện hài cốt đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Võ Ninh.
Cùng đó, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được tỉnh Quảng Bình triển khai từ ngày 10/10/2013 đến hết năm 2018, sau đó cho phép gia hạn đến hết năm 2019. Nguyện vọng của cụ đã từng đề đạt trước thời điểm năm 2013, nhưng các mốc thời gian như năm 2013 và 2018, gia đình cụ đều không được phê duyệt vào đề án, cũng như nhận được thông tin hỗ trợ từ chính quyền cơ sở.
Các con cụ Lê Bá Xuân cho biết: “Chúng tôi ở xa không gần gũi ông bà thường xuyên được, ông bà lại vốn tự lập tự cường. Gia đình người có công, nhà xuống cấp từng ngày, xin chính quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí nhưng đợi mãi không thấy gì. Bão lũ đến gần, gia đình phải tự xoay trở, sau đận này chúng tôi phải kính đơn tranh luận với chính quyền thôi. Chứ ông bà lâm vào hoàn cảnh này, nay mai chết đi cũng không cam tâm”.
Tại phiên làm việc liên quan đến Đề án 22 về hỗ trợ gia đình người có công về nhà ở, ông Lê Ngọc Huân - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Việc người có công trên địa bàn những năm qua được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, sữa chữa nhà tạo ra hiệu ứng xã hội nhất định. Tuy vậy, lượng đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở còn nhiều; các vướng mắc, khó khăn tại cơ sở khi triển khai vẫn xảy ra. Cái này, chính quyền cấp xã là đơn vị làm việc trực tiếp với nhân dân, nên đây là đầu mối”.
Một căn nhà hỗ trợ người có công đã được hoàn thành.
Liệu cái kết có đẹp
Đời sống của người có công với cách mạng sau khi được hưởng chính sách, hỗ trợ theo Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ đã được nâng cao hơn trước, nhà ở khang trang, bền chắc. Tuy vậy, câu chuyện gia đình liệt sỹ, bản thân là cựu binh lại bị bỏ xót khi xin được hỗ trợ cải tạo nhà ở của cụ Lê Bá Xuân là câu chuyện buồn, chưa rõ vướng mắc ở đâu…
Vậy chúng tôi xin chuyển sự mong mỏi khẩn thiết này của gia đình người có công đến UBND huyện Quảng Ninh, cũng như Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở tỉnh Quảng Bình nhằm kịp thời rà soát, bàn bạc, thống nhất phương án chỉ đạo, ra quyết sách phù hợp. Có câu trả lời hợp lý cho thân nhân liệt sỹ.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.