Quảng Bình thiếu lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế
Từ đầu năm đến nay, nhiều công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp ở tỉnh Quảng Bình nghỉ việc, làm cho hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Các doanh nghiệp khó phục hồi và mở rộng sản xuất, nguy cơ gián đoạn chuỗi sản xuất cũng đáng báo động.
Từ đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình thực hiện nhiều phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm mới. Những tháng đầu năm, lượng người có nhu cầu tìm việc làm tại tỉnh Quảng Bình rất đông. Tuy nhiên, vào giữa năm nay, hàng hóa xuất khẩu chậm, tiền lương của công nhân sụt giảm, nhiều lao động bỏ việc khiến hàng loạt công ty, xí nghiệp tại tỉnh Quảng Bình lâm cảnh khó khăn. Anh Cao Xuân Đạt, ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, trước đây anh làm việc ở miền Nam. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, anh thất nghiệp trở về quê tìm kiếm công việc tạm thời ở quê nhà.
Nhưng hiện nay, anh Đạt nghỉ việc, trở vào miền Nam, tìm kiếm công việc có mức lương cao hơn: “Em xác định đi làm ăn xa, có thể vào miền Nam để tìm các công ty để liên hệ phỏng vấn và xin thẳng vào. Mong muốn của em là tìm chỗ nào lương cơ bản cao hơn, trang trải được cuộc sống cho mình thì em sẽ tìm tới đó để làm việc”.
Xí nghiệp may Hà Quảng, thuộc Tổng Công ty Cổ phần May 10, đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới là một trong những doanh nghiệp may lớn tại Quảng Bình với hơn 1.000 công nhân. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, khi thị trường xuất khẩu lao động sôi động trở lại thì người lao động có xu hướng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ngày càng nhiều. Người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi mở rộng và phục hồi sản xuất, ảnh hưởng hoạt động hàng ngày.
Ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp may Hà Quảng, tỉnh Quảng Bình cho biết, tình trạng thiếu hụt lao động ở công ty ngày một lớn, nhiều dây chuyền bị gián đoạn: “Đối với xí nghiệp may Hà Quảng chúng tôi cũng nằm trong xu thế đó, nó cũng tác động và gây khó khăn cho vấn đề sắp xếp và bố trí sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà các đơn hàng chúng tôi đã ký hợp đồng thì lead time sản xuất tương đối ngắn, việc không đủ năng lực sản xuất trong chuyền sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và sẽ không có thiện cảm tốt khi khách hàng nhận hàng muộn”.
Ông Trần Văn Thêm, Quản đốc Nhà máy ván ép Thăng Long Quảng Bình thông tin, sau đại dịch Covid-19, sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao dẫn đến các đơn hàng từ nước ngoài bị giảm sút, kéo theo thu nhập của người lao động cũng giảm. Từ đó, nhiều người lao động có xu hướng “nhảy việc” sang lĩnh vực khác thu nhập cao hơn, các doanh nghiệp hết sức chật vật trong việc tìm kiếm lao động thay thế.
“Lượng người lao động sụt giảm là do ở đây công việc cũng đang gặp khó khăn và không ổn định, nên mọi công nhân phải kiêm nhiệm thêm việc. Đáng ra ngày làm 8 tiếng nhưng ít lao động nên phải làm 9 tiếng để kịp tiến độ lao động sản xuất trong nhà máy”, ông Thêm nói.
Từ đầu năm đến nay, số lượng lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, khu kinh tế tại Quảng Bình giảm từ 15% đến 20%. Cùng với việc giảm sút đơn hàng, tình trạng thiếu hụt lao động càng làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho hay, ngành chức năng đang cùng doanh nghiệp ban hành những chính sách thu hút lao động để khôi phục, ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
“Trước tình hình trên, về phía ban kinh tế quản lý nhà nước các doanh nghiệp trong khu kinh tế cũng đã cùng với doanh nghiệp bàn các phương án và tìm ra hướng giải quyết trong đó có việc miễm, giảm và giãn các loại thuế cho doanh nghiệp phải nộp. Ban cũng đã đề xuất lên UBND tỉnh giảm các loại thế từ đó giải quyết được phần nào khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Khánh cho biết thêm./.