Quảng Bình: Tìm giải pháp phát huy hiệu quả các làng nghề
Các làng nghề chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, huy động nguồn vốn...
Nhiều làng nghề truyền thống nhưng quy mô nhỏ
Toàn tỉnh Quảng Bình có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó có 19 làng nghề (chiếm 65,5%) và 10 làng nghề truyền thống (chiếm 34,5%). Số cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề, làng nghề truyền thống: 8.279 cơ sở, trong đó có 11 Hợp tác xã và 8.268 hộ kinh doanh cá thể. Tổng số lao động trong các làng nghề: 15.723 lao động (chủ yếu là lao động thường xuyên). Giá trị sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022 đạt 175,521 tỷ đồng.
Ngành nghề chính của các làng nghề gồm: sản xuất chổi đót, đan lát, sản xuất rượu, chế biến bún, nước mắm, ruốc, cá khô, sản xuất nón lá, cơ khí,…
Trong đó, các làng nghề hiện đã đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu gồm: Hợp tác xã bún bánh mè xát Tân An thuộc làng nghề chế biến bún bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch; làng nghề chế biến hải sản Quy Đức, xã Đức Trạch; làng nghề sản xuất rượu Gia Hưng, xã Hưng Trạch; làng nghề chế biến hải sản Lý Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch; 09 nhãn hiệu đã được Cục sở hữu cấp giấy chứng nhận đăng ký gồm: Rượu Tuy Lộc (HTX làng nghề Luật Dũng, Lệ Thủy); Rượu Võ Xá (HTX SX và KD rượu làng nghề Võ Xá, Quảng Ninh); Khoai deo Hải Ninh (HTX SX và chế biến khoai deo Hải Ninh, Quảng Ninh); Nước mắm Nhân Trạch (HTX Nhân Trạch, Bố Trạch); Nước mắm Quy Đức (HTX đánh cá Thượng Đức, Bố Trạch); Nước mắm Đồng Hới (Sở Khoa học và Công nghệ chứng nhận); Mây xiên Quảng Phương (HTX SXDV mây xiên Quảng Phương, Quảng Trạch); Bánh mè xát Tân An (HTX bánh mè xát làng nghề truyền thống Tân An, Quảng Trạch); mật ong Tuyên Hóa (công ty TNHH sinh thái Miền Tây).
Theo tìm hiểu, hầu hết các làng nghề, làng nghề truyền thống có quy mô nhỏ, giá trị sản xuất hiện không lớn, các ngành nghề sản xuất ít có chất độc hại, không phát sinh nước thải công nghiệp hoặc với lượng nước thải ở mức độ nhỏ nên việc xử lý môi trường tại các làng nghề chủ yếu là thu gom rác thải về bãi rác tập trung để xử lý, hoạt động này được hầu hết các địa phương triển khai thực hiện.
Tìm giải pháp để các làng nghề phát huy hiệu quả lợi thế
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện các cơ sở làng nghề phát triển còn chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng, sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Đa số cơ sở đang gặp khó khăn về vốn, nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư để sản xuất. Việc huy động các nguồn vốn, để đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình. Lao động tại các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn chủ yếu chưa qua đào tạo, lao động tay nghề cao còn thiếu, một số chương trình đào tạo nghề chưa có chiều sâu. Công tác đào tạo nghề và truyền nghề đối với sự phát triển của các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn và làng nghề còn hạn chế. Một số nhóm ngành nghề phát triển còn gặp khó khăn, mang tính cầm chừng, chưa bền vững. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như: Nghề đan lát, rèn nông cụ, chổi đót...
Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu và hệ thống kết cấu hạ tầng hỗ trợ và dịch vụ cho sản xuất chưa phát triển cũng là những nguyên nhân gây ra khó khăn cho công tác phát triển làng nghề ở Quảng Bình.
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất hiện có; tiếp tục củng cố và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận trên phạm vi toàn tỉnh… Khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng các tiến bộ, KHCN tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề.
Ngoài ra, chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề, huy động nguồn vốn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất, tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề đang hoạt động, có khả năng phát triển. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đối với các sản phẩm của làng nghề nói chung và làng nghề tiểu thủ công nghiệp nói riêng nhằm tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn và phát triển các làng nghề (hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề); có cơ chế chính sách đặc thù để cho các làng nghề vay vốn dài hạn theo chính sách ưu đãi của Nhà nước phát triển sản xuất.