Quảng Bình tìm hướng gỡ bỏ nút thắt của dự án Cao tốc Bắc Nam
Tìm hướng giải quyết, gỡ bỏ nút thắt để Dự án Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình hoàn thành đúng tiến độ.
Phấn đấu hoàn thành công tác chuyển đổi đất rừng
Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 127km. Dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh (thuộc thành phố Đồng Hới); Vũng Áng - Bùng (thuộc huyện Quảng Trạch) và Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc huyện Lệ Thủy). Nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng hơn 257ha rừng sang mục đích khác. Đến nay, dự án đã hoàn thành 100% công tác trích đo hiện trường và bàn giao mặt bằng gần 75km cho các Ban Quản lý dự án, đã giải ngân 654 tỷ đồng trong tổng số hơn 2.693 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn tuyến qua thành phố Đồng Hới có diện tích rừng được phê duyệt chuyển đổi sang mục đích khác là 86,44 ha. Địa điểm thực hiện tại các xã Thuận Đức, Nghĩa Ninh và phường Đồng Sơn.
Đoạn tuyến qua huyện Quảng Trạch có diện tích được phê duyệt chuyển đổi sang mục đích khác là 62,51ha. Địa điểm thực hiện tại các xã: Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Tiến, Liên Trường, Quảng Phương và Quảng Thanh.
Đoạn tuyến qua huyện Lệ Thủy, diện tích được phê duyệt chuyển đổi sang mục đích khác là 108,64ha. Địa điểm thực hiện tại các xã: Sơn Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Kim Thủy, Trường Thủy, thị trấn Nông Trường Lệ Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ông Trần Thắng đã giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy và đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo kế hoạch được duyệt. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Dự án 6 và Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) được phê duyệt Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án 6 và các nhà thầu, hiện nay, công tác bàn giao mặt bằng trên thực địa Dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh đoạn qua địa bàn huyện Bố Trạch và Quảng Ninh đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Việc giải phóng mặt bằng đang vướng với đường dây điện hạ thế, chưa có bãi trữ đất thừa sau san lấp mặt bằng, chưa khai thác các diện tích rừng của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại trong phạm vi dự án.
Giải quyết các nút thắt ưu tiên phục vụ thi công đường bộ cao tốc Bắc – Nam
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án 6 và các nhà thầu, trong quá trình thi công dự án đã gặp một số khó khăn như: Nền đường yếu, các đơn vị thi công phải triển khai phương án đổ cát nền để bảo đảm ổn định mặt bằng sau rải thảm; chênh lệch giá đất giữa các xã nên người dân chưa thống nhất phương án áp giá đền bù; việc vận chuyển đất để đắp nền đường gặp khó khăn do hệ thống đường giao thông chưa đồng bộ; thủ tục bố trí bãi đổ thải mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình; việc di dời mồ mả ở một số địa phương mất nhiều thời gian. Vấn đề vật liệu và chậm giải phóng mặt bằng là 2 “nút thắt” lớn nhất trong quá trình thi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông khiến tiến độ nhiều dự án thành phần gặp trở ngại.
Các ban ngành, địa phương tại tỉnh Quảng Bình đề xuất một số giải pháp trong quá trình triển khai dự án như: giải phóng mặt bằng các mỏ vật liệu mới; điều chỉnh phương án đất đắp thành cầu cạn đoạn qua một số xã; đẩy nhanh thiết kế hồ sơ cắm mốc hành lang an toàn đường bộ và tiến hành đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của các công trình nhà ở đến an toàn giao thông; hướng dẫn bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các khu đất, công trình và các hộ gia đình nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ. Tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể việc giải phóng mặt bằng đối với công trình hạ tầng xã hội và các hộ gia đình nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ…
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác định vị trí và xây dựng đường công vụ để vận chuyển vật liệu, đất, cát vào địa điểm thi công; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương bố trí mặt bằng tập kết vật liệu trong quá trình thi công. Các nhà thầu phải chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương. Trong tháng 3, các đơn vị thi công cần ưu tiên làm đường công vụ dọc tuyến. Khi có đường công vụ phải tính toán việc thi công cầu cống, các điều kiện phụ xây dựng đường cao tốc. Địa phương cần xác định rõ trách nhiệm, tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng.
"Bên cạnh đó, địa phương phải chủ động xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án đường bộ cao tốc. Các Ban Quản lý dự án chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ khai thác mỏ đất, đá, cát theo quy định"- ông Lê Đình Thọ cho hay.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các địa phương, nhà thầu cùng giải quyết triệt để những nút thắt về mặt bằng và vật liệu để đảm bảo tiến độ dự án: “Xây dựng kế hoạch chi tiết, nội dung công việc cụ thể và cần phải làm theo tiến độ, khó khăn vướng mắc vấn đề gì để tập trung tháo gỡ. Khi đã duyệt về tiến độ kế hoạch thì phải gửi về các địa phương, các xã, các huyện, các tỉnh và đến Bộ. Đường công vụ sẽ quyết định số 1 của dự án này, khi đường công vụ tốt thì có thể thi công ngày đêm được. Còn các điểm nghẽn về cầu, cống mang tính chất phải đầu tư trước.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc Lâm đề nghị các Ban Quản lý dự án (Bộ GTVT) tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, làm cơ sở bàn giao mặt bằng theo tiến độ; chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận mặt bằng sạch để triển khai các công việc tiếp theo.