Quảng cáo sai và 'lệnh bài' ngăn chặn
Thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến tình trạng quảng cáo khá lộn xộn, thậm chí thổi phồng, nói không đúng công dụng thực tế của một số sản phẩm có tác dụng như thuốc trên các trang mạng xã hội, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội. Đáng nói là, việc quảng cáo không đúng, hay nói cách khác là quảng cáo sai như thế nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán các sản phẩm để trục lợi, kiếm lời không chỉ gây nhầm tưởng về công năng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe mà còn tốn kém tiền bạc và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội, vi phạm các quy định tại Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 6/4/2016 của Quốc hội. Bởi vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhà quản lý đã vào cuộc, không để tình trạng quảng cáo, kinh doanh thuốc tràn lan, tự phát, 'trăm hoa đua nở' trên mạng xã hội, gây ra những hệ lụy đáng buồn.
Ngành chức năng khuyến cáo, người dân nên mua thuốc, sản phẩm không phải thuốc tại các cửa hàng kinh doanh dược có uy tín, được cấp phép theo quy định.
Có thể thấy, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc quảng cáo, kinh doanh thuốc, các sản phẩm có tác dụng như thuốc, các loại thực phẩm chức năng... trên mạng xã hội không còn xa lạ với mọi người. Không khó để bắt gặp hình ảnh một số người nổi tiếng như nghệ sĩ A, ca sĩ Y, diễn viên X, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, thậm chí cả nghệ sĩ Ưu tú hay những danh xưng tự phong như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y”, “thần dược”, kèm theo hình ảnh là cả phiếu xét nghiệm, thư cảm ơn của người dùng... được các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng để đưa vào chiến dịch quảng cáo nhằm mục đích thu lợi nhuận, nhất là với những dòng sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính: Xương khớp, huyết áp, tiểu đường, các bệnh về mắt, giãn tĩnh mạch rồi đến cả... suy tim, suy thận(?!)
Tác hại của việc quảng cáo bừa bãi, không đúng như đã nói ở trên đã rõ nhưng vấn đề là làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn, khắc phục tình trạng này một cách kịp thời, hiệu quả đã đặt ra bài toán cần phải tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các mạng xã hội... từ phía các nhà quản lý. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc, quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành, quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Với thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin, nghe tư vấn trực tiếp của đội ngũ thầy thuốc có chuyên môn, uy tín.
Đặc biệt, có chế tài, biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter, các nền tảng quảng cáo trên Google ads như Youtube, Coccoc, Chrome... và yêu cầu thực hiện nghiêm pháp luật Việt Nam về quảng cáo. Cần rà soát, quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm, chú trọng quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm này. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần tuyên truyền rộng rãi quy định của pháp luật về quảng cáo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nhất là các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng nếu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thuốc chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. Song hành với đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc; đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; chú trọng công tác điều tra, khám phá, xử lý các đường dây, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trái phép bất hợp pháp trên các mạng xã hội và qua phản ảnh của các phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp giữa các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành...
Với Phú Thọ, trong một động thái tích cực, kịp thời, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội với các biện pháp đồng bộ, chặt chẽ, tích hợp nhiều nội dung, biện pháp cần thiết và tất yếu. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo, trọng tâm là quảng cáo trên môi trường mạng (bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới), một số quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người chỉ thực hiện sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Thực hiện rà soát toàn bộ hoạt động hợp tác quảng cáo (nếu có) trên báo điện tử, cổng, trang thông tin điện tử để xóa bỏ các quảng cáo vi phạm; triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của cơ quan, đơn vị; đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật khi hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đăng quảng cáo trên môi trường mạng.
“Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế khi cần xác định chủ thể, hành vi vi phạm để kịp thời xử lý các website, trang mạng xã hội thực hiện quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc, quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành, quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Đề nghị ngành Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, tuyên truyền cung cấp tài liệu, xây dựng các nội dung truyền thông cụ thể về tác hại của việc quảng cáo, buôn bán các sản phẩm có tác dụng như thuốc qua mạng xã hội gây nguy hại đến sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân biết, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoạt động, khi mua thuốc phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng giúp các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu”, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm.
Hoàng Anh
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/quang-cao-sai-va-lenh-bai-ngan-chan/191367.htm