Quảng cáo số kể khó về pháp lý, có thương vụ thiệt hại cả chục nghìn USD

Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực quảng cáo còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách chưa theo kịp. Cùng với đó, việc phụ thuộc quảng cáo trên các nền tảng số xuyên biên giới cũng khiến nhiều doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam gặp khó, thậm chí có những thương vụ thiệt hại hàng chục nghìn USD do vi phạm cam kết với khách hàng.

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đánh giá cơ cấu ngành quảng cáo đang có sự thay đổi, thị phần quảng cáo số trên toàn cầu sẽ chiếm khoảng 82% tổng doanh thu ngành quảng cáo vào năm 2027. Điều này cho thấy quảng cáo số đang lên ngôi và dần trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian tới. Trong khi đó, quảng cáo qua kênh truyền thống sẽ co lại, nguyên nhân là bởi quảng cáo số có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn.

Chuyển đổi số giữa chừng, doanh nghiệp phải bỏ cuộc

Theo ghi nhận của Kantar Media Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok trong năm 2022 (số liệu từ tháng 3/2022) là khoảng 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình. Năm 2023, dự kiến con số này là 3,4 tỷ USD, tương đương 80 nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy xu hướng tất yếu là doanh nghiệp ngành quảng cáo phải chuyển đổi số.

Việc chuyển đổi số trong ngành quảng cáo gặp khó khăn về rào cản pháp lý (Ảnh minh họa).

Việc chuyển đổi số trong ngành quảng cáo gặp khó khăn về rào cản pháp lý (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, “khó khăn nhất đối với chuyển đổi số trong quảng cáo hiện nay là hành lang pháp lý”, đây là chia sẻ mà ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đưa ra.

Lý giải cho nhận định này, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết mọi hành vi kinh doanh cần phải tuân theo luật. Trong khi đó, quảng cáo liên quan tới nhiều luật, đơn cử muốn treo một biển quảng cáo số ở ngoài trời thì phải được sự cho phép của cơ quan quản lý về xây dựng, văn hóa, giao thông, chính quyền địa phương…

Đối với chuyển đổi số, do việc quảng cáo vẫn đang phụ thuộc vào các nền tảng số xuyên biên giới nên nhiều khi doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cả rủi ro.

Ông Sơn đánh giá chuyển đổi số đôi khi nói thì dễ, ban đầu quyết tâm cũng rất cao nhưng khi vào cuộc thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ông kể lại câu chuyện mà doanh nghiệp của mình gặp cách đây mấy năm, khi đó đầu tư vào quảng cáo trên điện thoại di động, nghĩa là nếu người dùng nhận được cuộc gọi quảng cáo sẽ được trả tiền.

“Trong 1 tháng đầu, số lượng người dùng tải app lên tới 1 triệu, nhưng số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ cũng không hề thấp, hơn 60 triệu đồng mỗi ngày, thêm vào đó còn gặp tình cảnh nhiều khi người dùng bấm nghe chỉ để nhận tiền chứ không ai xem quảng cáo”, ông Sơn cho biết, sau đó doanh nghiệp đã có những điều chỉnh nhưng không nhận được sự thấu hiểu của người dùng và cả sự bất cập trong quản lý nên sau đó buộc phải dừng chương trình này.

Qua đó, ông Sơn khuyến nghị muốn chuyển đổi số hiệu quả trong ngành quảng cáo thì phải chọn đúng đường đi, tránh làm theo phong trào, thấy người ta làm thì mình cũng làm.

Tiến tới làm chủ công nghệ để tránh rủi ro

Tương tự, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc điều hành Công ty 5S Media, cho biết khó khăn lớn nhất của ngành quảng cáo là pháp lý, nhiều khi doanh nghiệp điêu đứng khi thực hiện quảng cáo trên các nền tảng quốc tế.

Đơn cử, có một chương trình quảng cáo mà 5S Media khẳng định đã làm minh bạch, tuân thủ quy định thuần phong mỹ tục, nhưng sau đó quảng cáo bị nói vi phạm quy chuẩn cộng đồng nên buộc phải gỡ. Tuy nhiên, vi phạm thế nào thì không chỉ dẫn, dẫn tới công ty thực hiện quảng cáo thiệt hại lên tới hàng chục nghìn USD do những cam kết với khách hàng không đạt được.

Theo đó, bà Hằng cho rằng cần chọn một vài lĩnh vực trọng yếu, từ đó chuyển đổi số mảng đó để thành công trước.

Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý, bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số mà Marketing Goldsun Media Group, chia sẻ "vấn đề tiền đâu" cũng là một thách thức mà doanh nghiệp ngành quảng cáo đang phải đối mặt.

Chuyển đổi số không phải để lựa chọn mà là bắt buộc, bởi nếu không làm sẽ tụt hậu so với các công ty khác trên thị trường. Nhận định điều này, doanh nghiệp cũng đã đi tới nhiều nước phát triển trên thế giới để học hỏi về các công nghệ chuyển đổi số.

“Thực sự, chúng tôi cập nhật công nghệ trên thế giới thường xuyên, như Trung Quốc là quốc gia hàng đầu về công cụ hiển thị quảng cáo, nhưng một trong những nút thắt lớn nhất là vấn đề giá quá cao”, bà Vân đánh giá.

Trong khi đó, bà Nguyễn Lan Phương, Giám đốc Dự án Công ty Công nghệ I&E Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp cần nghĩ xa hơn trong việc làm chủ công nghệ để tránh rủi ro do lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới.

Bà Phương cho rằng: “Làm chủ công nghệ để dữ liệu người dùng không bị doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát và tránh rủi ro do họ thay đổi tùy biến, từ đó doanh nghiệp có thể chủ động điều tiết nguồn lực quảng cáo”.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/quang-cao-so-ke-kho-ve-phap-ly-co-thuong-vu-thiet-hai-ca-chuc-nghin-usd-1090992.html