Trưa 16/6, TP.HCM, Vũng Tàu, Mỹ Tho và một số tỉnh Đông Nam Bộ xuất hiện hiện tượng hào quang mặt Trời. Khung cảnh huyền ảo nhanh chóng thu hút sự chú ý, được ghi lại và đăng tải rầm rộ lên mạng xã hội. (Ảnh: CTV)
Theo quan sát, mặt Trời được bao quanh bởi một quầng sáng như bảy sắc cầu vồng, xuất hiện trong khoảng thời gian từ 10h30-14h, tùy khu vực. (Ảnh: CTV)
Theo tìm hiểu của PV, những đám mây này có cấu trúc là các tinh thể băng, ánh sáng mặt Trời bị khúc xạ, phản xạ sinh ra các vòng tròn. (Ảnh: CTV)
Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, quầng mặt Trời là hiện tượng quang học do ánh sáng mặt Trời chiếu qua đám mây tầng cao khoảng 7-8km. Quầng mặt Trời có bảy màu như màu sắc cầu vồng gồm: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím nhưng được sắp xếp theo chiều ngược lại. (Ảnh: CTV)
Theo các chuyên gia, quầng mặt Trời hoặc mặt Trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Song cũng có một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng. (Ảnh: CTV)
Ngoài tên gọi "quầng mặt Trời", hình ảnh vòng tròn ánh sáng xuất hiện quanh mặt Trời được gọi tên là "hào quang 22 độ". (Ảnh: CTV)
Sau khi xuất hiện quầng mặt Trời, khu vực Đông Nam Bộ đổ mưa lớn và xuất hiện cầu vồng.
Hiếu Nguyễn