Quảng Nam: Cần cơ cấu lại nền kinh tế để tránh bị lệ thuộc
Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam, về lâu dài cần cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh để tránh bị lệ thuộc vào một nhà máy hay một ngành nào.
Tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm
Như tin đã đưa, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2023 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV/2023, Sở KH&ĐT Quảng Nam cho biết tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng qua đang đà cải thiện so với các tháng đầu năm.
Cụ thể, GRDP quý III/2023 giảm 7,2% so với cùng kỳ 2022 (quý I giảm 9,8%; quý II giảm 8,6%). Tuy nhiên tính chung 9 tháng năm 2023, GRDP của Quảng Nam ước tính giảm giảm 8,76% so với cùng kỳ 2022, và tỉnh này có mức tăng trưởng thấp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành trên cả nước trong 9 tháng qua.
Quy mô nền kinh tế của Quảng Nam 9 tháng năm 2023 cũng thu hẹp hơn 2,5 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (đạt 81,4 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành); tính riêng quý III/2023 đạt 27 nghìn tỷ đồng, thu hẹp 735 tỷ đồng. Điều đó cho thấy tốc độ phục hồi nền kinh tế của tỉnh vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam, tốc độ phục hồi kinh tế trên địa bàn còn rất chậm do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, công nghiệp - xây dựng giảm hơn 23%, riêng công nghiệp giảm hơn 25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 9%.
“Sản xuất công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2023 giảm sút do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Giá trị tăng thêm (VA) toàn ngành công nghiệp của tỉnh 9 tháng qua giảm hơn 25% so với cùng kỳ là mức giảm sâu nhất trong những năm qua; làm giảm 7,84 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế”, Sở KH&ĐT Quảng Nam cho biết.
Mặc dù chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, tuy nhiên, tình hình tiêu thụ xe chưa thực sự khả quan kéo theo ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 27,1%. Do nắng nóng kéo dài, các nhà máy thủy điện trên địa bàn không thể hoạt động hết công suất nên ngành sản xuất và phân phối điện giảm 22%...
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Do tình hình nêu trên, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quảng Nam đến cuối tháng 9 ước đạt trên 13.600 tỷ đồng, giảm 40% so cùng kỳ 2022, bằng 51% dự toán HĐND tỉnh giao (thu nội địa bằng 57% dự toán; thu xuất nhập khẩu bằng 27% dự toán). Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu 9 tháng đạt hơn 2,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022 (xuất khẩu hơn 1,3 tỷ USD, giảm gần 21%, nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD, giảm hơn 35%).
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hưng nêu 3 giải pháp cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để Quảng Nam có thể vượt qua khó khăn hiện nay, tạo bước đột phá trong 3 tháng còn lại nhằm đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra.
Trước mắt, tỉnh Quảng Nam phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
“Tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh gần 9.300 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ hơn 7.500 tỷ đồng, đạt 97%. Tuy nhiên tính đến ngày 29/9 mới giải ngân được hơn 4.000 tỷ đồng, đạt gần 44%. Do vậy cần phải tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công. Nếu hơn 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại được đưa vào lưu thông sẽ tạo động lực rất tốt thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phục hồi tăng trưởng nhanh hơn nữa”, ông Nguyễn Hưng nói.
Cơ cấu lại nền kinh tế
Về trung hạn, theo ông Hưng, tỉnh cần có các giải pháp tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập và kiện toàn Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Tổ công tác đã tiến hành 4 phiên họp nhằm giải quyết các vấn đề có tính chất phức tạp, khó khăn, tranh chấp, khiếu nại kéo dài hoặc do vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các sở, ban, ngành, địa phương.
Về lâu dài, ông Hưng cho rằng cần cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh. Theo phân tích, cơ cấu GRDP của Quảng Nam 9 tháng năm 2023 gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản 17,33%; công nghiệp - xây dựng 29,68%; dịch vụ 35,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 17,38%.
Như vậy, khu vực công nghiệp - xây dựng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm hiện chiếm tỉ trọng gần 50% trong cơ cấu kinh tế Quảng Nam. 9 tháng qua do khu vực này sụt giảm sâu nên mặc dù khu vực dịch vụ, nông - lâm nghiệp và thủy sản đều tăng trên 3% vẫn không kéo lại được mức sụt giảm GRDP lên đến 8,76% của tỉnh.
“Do vậy, về lâu dài cần phải cơ cấu lại nền kinh tế Quảng Nam để tránh bị lệ thuộc vào một nhà máy hay một ngành nào”, Phó Giám đốc Sở KHĐT Quảng Nam nói.