Quảng Nam: Cần giải quyết dứt điểm vướng mắc về địa giới hành chính

Thời gian qua, việc chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam với các tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây phải chịu cảnh thiếu thốn, bất cập.

Các khu dân cư không được đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh... Điều đó khiến đời sống nhân dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn...

Dân khổ vì "6 không"

Phải mất nửa ngày đường, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ đây, chúng tôi tiếp tục di chuyển theo con đường đất dài hơn 10km trong tình trạng sình lầy, sạt lở mới vào đến nơi sinh sống của các hộ dân thôn 3, xã Trà Vinh (nơi chồng lấn địa giới hành chính với xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Đến nơi, chúng tôi được già làng Nguyễn Xuân Bốn (66 tuổi) kể về những khó khăn khi sống ở vùng chồng lấn địa giới "6 không": Không có điện, đường, trường, trạm, chợ và chưa được phủ sóng điện thoại.

Do hệ thống đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều trường hợp người dân đau ốm, bị tai nạn đưa xuống trạm y tế xã cấp cứu nhưng không kịp, dẫn tới tử vong. Phần lớn thức ăn hằng ngày do người dân tự cung tự cấp. Gạo, ngô, khoai, sắn được trồng từ nương rẫy. Còn thực phẩm chủ yếu bà con đi mò cua, bắt ốc dưới khe, suối. Các loại rau rừng thì hái trên núi. Thi thoảng bà con mới ra trung tâm xã hay xuống chợ cách hàng chục cây số mua lương thực, thực phẩm về dự trữ.

Việc đi học của trẻ em ở thôn 3, xã Trà Vinh gặp nhiều khó khăn khi chưa được đầu tư điện, đường, trường, trạm.

Việc đi học của trẻ em ở thôn 3, xã Trà Vinh gặp nhiều khó khăn khi chưa được đầu tư điện, đường, trường, trạm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh cho biết, thôn 3 có 238 hộ với 1.034 nhân khẩu sinh sống trong vùng chồng lấn địa giới hành chính. Do các hộ gia đình này ở trên vùng đất chồng lấn thuộc quản lý của xã Đắk Nên nên địa phương không thể thực hiện việc thu hồi đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Hơn 30 năm qua, các hộ dân ở thôn 3 sinh sống trong điều kiện không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không điện, không có nguồn nước hợp vệ sinh, không có hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất... Trong những năm qua, chính quyền xã Trà Vinh đã cố gắng giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tuy vậy, đời sống của người dân thôn 3 vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tương tự, việc chồng lấn địa giới hành chính cũng xảy ra giữa xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) và xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Tổng diện tích tự nhiên tại khu vực vướng mắc là 786,9ha. Tại khu vực này có 97 hộ dân (100% là người dân tộc Co) của thôn 1, xã Trà Giáp đang sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả, hương hỏa tổ tiên ổn định từ bao đời nay, nhưng hồ sơ địa giới hành chính theo bản đồ 364 lại thuộc địa phận xã Trà Thanh.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ bản đồ địa giới hành chính 364 (theo Chỉ thị 364 ngày 6-11-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ) được vẽ không trùng khớp với đường địa giới truyền thống mà người dân hai xã Trà Vinh và Đăk Nên đã sinh sống, quản lý và canh tác sản xuất từ lâu đời. Vì thế, sau khi bản đồ xác lập đã vô tình “đẩy” hơn 6.100ha đất cùng hàng nghìn người dân thôn 3 sang đất của tỉnh Kon Tum. Trong khi đó, gốc gác xa xưa của người dân vốn thuộc về Quảng Nam.

Cần thống nhất phương án giải quyết hợp tình, hợp lý

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, Bộ Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi phối hợp giải quyết về địa giới hành chính khu vực giáp ranh giữa xã Trà Vinh và xã Đăk Nên; giữa xã Trà Giáp và xã Trà Thanh. Từ năm 2008 đến 2021, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã nhiều lần tổ chức làm việc, nhưng vẫn chưa thống nhất các phương án giải quyết. Vấn đề địa giới hành chính của Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã nhiều lần được nêu ra, bàn bạc tại các phiên làm việc thường niên của hai tỉnh, hai huyện và các ngành, địa phương liên quan; song đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, phần lớn người dân đã quen với việc sinh sống, canh tác trên chính mảnh đất của họ nên không đồng tình với việc di dời về khu tái định cư mới, hoặc phải chuyển khẩu sang địa phương khác. Bà con có nguyện vọng được điều chỉnh địa giới hành chính sao cho sát với tình hình thực tế họ đang ở.

 Một góc khu dân cư thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Một góc khu dân cư thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã thành lập Tổ khảo sát liên ngành để tổ chức khảo sát thực địa và lấy ý kiến nhân dân tại khu vực tranh chấp. Qua khảo sát, có 99% hộ dân xã Trà Vinh đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính phần diện tích thôn 3 (phần nằm trên địa phận xã Đăk Nên) về xã Trà Vinh. Tổ khảo sát của tỉnh Quảng Nam và Tổ khảo sát các ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến của nhân dân khu vực chồng lấn. Theo đó, có 100% hộ dân đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Trà Giáp và xã Trà Thanh (điều chỉnh phần diện tích 786,9ha đất các hộ dân xã Trà Giáp đang sinh sống thuộc địa phận xã Trà Thanh về xã Trà Giáp quản lý); 100% hộ dân không đồng ý chuyển hộ khẩu sang tỉnh Quảng Ngãi.

Từ thực tế khảo sát và nguyện vọng của bà con nhân dân khu vực có vướng mắc về địa giới hành chính, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh phần diện tích thực tế như mong muốn của bà con để quản lý và sớm cải thiện đời sống người dân. Theo ông Hồ Quang Bửu, đây là phương án hợp lý nhất, mong muốn hai địa phương sớm thống nhất phương án. Trong khi đó, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị giữ nguyên đường địa giới hành chính theo hồ sơ bản đồ 364 đã được xác lập (các hộ dân tại thôn 3 đang sinh sống trên địa phận xã Đăk Nên chuyển giao cho xã Đăk Nên tiếp nhận, quản lý, sắp xếp).

Ông Nguyễn Tấn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho biết, thời gian qua, UBND xã Trà Vinh đã tổ chức nhiều cuộc họp khảo sát ý kiến của người dân thôn 3. Kết quả, tất cả người dân đều không muốn chuyển hộ khẩu về xã Đăk Nên, bởi từ thôn 3 về trung tâm xã Trà Vinh chỉ khoảng 8km, trong khi đó về xã Đăk Nên phải tới hơn 20km; đất đai canh tác, mồ mả ông bà đang chôn cất tại đây nên không thống nhất việc tái định cư trên đất xã Trà Vinh. Nhân dân thống nhất với phương án điều chỉnh đường địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và xã Đăk Nên theo lịch sử truyền thống, hiện trạng sinh sống lâu nay của người dân. Theo ông Nguyễn Tấn Thành, mọi việc nên lấy dân làm gốc, tôn trọng ý kiến người dân. Lãnh đạo hai tỉnh cần khẩn trương đề xuất với Trung ương sớm giải quyết để người dân không bị thiệt thòi về nhiều mặt như hiện nay.

Thiết nghĩ, 238 hộ dân thôn 3, xã Trà Vinh sống trên đất Quảng Nam hay Kon Tum; 97 hộ dân thôn 1, xã Trà Giáp sống trên đất Quảng Nam hay Quảng Ngãi cũng đều là công dân Việt Nam. Điều quan trọng lúc này là các địa phương phải thấm nhuần bài học của Bác Hồ "lấy dân làm gốc" để sớm đồng nhất phương án sao cho hợp tình, hợp lý, giúp người dân sớm an cư lạc nghiệp, xây dựng quê hương.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quang-nam-can-giai-quyet-dut-diem-vuong-mac-ve-dia-gioi-hanh-chinh-779232