Quảng Nam chủ động và tích cực hội nhập, không ngừng gắn kết với ASEAN
Tỉnh Quảng Nam có vai trò và vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khi là trong số ít địa phương trên cả nước sở hữu đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông.
Gia nhập ASEAN từ năm 1995 và tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được xem là cột mốc quan trọng, mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng về mở rộng quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trên tinh thần chủ động và tích cực hội nhập, tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả và toàn diện trong hợp tác - đối ngoại về kinh tế, giao lưu văn hóa, duy trì quan hệ hữu nghị với nhiều địa phương thuộc các quốc gia ASEAN và một số nước trên thế giới, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch
Tỉnh Quảng Nam có vai trò và vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khi là trong số ít địa phương trên cả nước sở hữu đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc; có hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hai khu kinh tế gồm Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang; 13 Khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.500ha và 92 Cụm công nghiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích 2.613,14 ha.
Đến nay Quảng Nam đã thu hút hơn 1.100 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 220.000 tỷ đồng; 194 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 6,06 tỷ USD. Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 7/2023, thu hút đầu tư FDI của Quảng Nam xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, du lịch, dịch vụ… Với khối ASEAN, tỉnh đã thu hút 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 4,1 tỷ USD từ Singapore, Thái Lan, Philippines... bên cạnh 139 dự án với tổng vốn hơn 1,5 tỷ USD từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Các kết quả trên đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 1997-2022, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 9,4%/năm. Riêng GRDP năm 2022 đạt 10,3%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, gấp hơn 34 lần so với năm 1997; tổng thu NSNN năm 2022 đạt hơn 32.000 tỷ đồng, tăng gấp 140 lần so với năm 1997. Ngoài ra, trong nhiều năm liền, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam đều nằm trong top 20 cả nước, trong đó giai đoạn 2015-2019, chỉ số này luôn nằm trong top 10. Kết quả trên là cộng hưởng của sự điều hành linh hoạt, năng động của chính quyền tỉnh, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, giúp Quảng Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Quảng Nam xác định phát triển dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, hướng tới phân khúc khách du lịch quốc tế cao cấp... để nâng cao giá trị và nâng tầm thương hiệu du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển dịch vụ logistics, hình thành trung tâm logistics bảo đảm nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.
Về công nghiệp, tỉnh sẽ phát triển các Khu kinh tế, Khu – Cụm công nghiệp, tập trung vào các ngành công nghiệp cơ khí, ô tô và hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó lấy các doanh nghiệp lớn làm trung tâm để liên kết với các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị.
Về nông nghiệp, Quảng Nam định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu để đáp ứng các đơn đặt hàng lớn, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn OCOP ở Quảng Nam, vốn đang dẫn đầu các tỉnh miền Trung.
Về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chiến lược, tỉnh Quảng Nam tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, quyết tâm xây dựng sân bay quốc tế Chu Lai quy mô 4F và nâng cấp Cảng Chu Lai cho tàu 50.000 tấn tạo động lực cho tỉnh và cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển.
Tăng cường giao lưu văn hóa, duy trì quan hệ hữu nghị
Thời gian qua, Quảng Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 15 địa phương, đối tác trên toàn thế giới. Với khối ASEAN, tỉnh đã thiết lập quan hệ song phương với tỉnh Sekong, tỉnh Champasak (Lào), tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), tỉnh Battambang, tỉnh Siem Reap (Campuchia).
Đặc biệt với tỉnh Sekong (Lào), Quảng Nam duy trì và phát triển quan hệ truyền thống đặc biệt trên các lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Lào; phối hợp tổ chức Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc... Lãnh đạo hai bên luôn duy trì gửi thư, điện thăm hỏi, chúc mừng nhân các sự kiện lớn của hai tỉnh.
Với tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), hai địa phương duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị thông qua các hoạt động trao đổi đoàn để thăm, chào xã giao, xúc tiến đầu tư, tham dự các sự kiện văn hóa, kinh tế quan trọng. Năm 2022, Quảng Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Ủy ban nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Quảng Nam - Thái Lan năm 2022 nhằm tạo cơ hội kết nối đầu tư trên một số lĩnh vực như kết nối phân phối sản phẩm nông sản đặc trưng của Quảng Nam sang thị trường Thái Lan; phối hợp chuyển giao công nghệ bảo tồn, nhân giống các loại dược liệu quý; dịch vụ du lịch; thủ công, mỹ nghệ…
Thời gian tới, Quảng Nam mong muốn tiếp tục thu hút FDI từ các quốc gia thuộc và ngoài khối ASEAN vào các dự án sử dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, các dự án chuyển đổi số, công nghệ sinh học, vật liệu mới; nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; chế biến dược liệu, Silica, và các dự án xã hội hóa về phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển. Tỉnh cam kết các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện, ưu đãi tốt nhất trên cơ sở thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác đã được ký kết.