Quảng Nam: Điểm danh những dự án ở Tam Kỳ mà doanh nghiệp 'tháo chạy'
Liên quan đến việc vụ 'Tam Kỳ (Quảng Nam): Hàng loạt dự án bị doanh nghiệp 'tháo chạy'', phóng viên đã đi tìm hiểu thực trạng của một số dự án để ghi nhận thực tế và lắng nghe tiếng nói của người dân, chính quyền địa phương về sự dang dở của những dự án đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ra sao.
Ông Nguyễn Ngọc Trai, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ cho biết: “Khu dân cư (KDC) Thuận Trà do đơn vị làm chủ đầu tư, tổng kinh phí dự án 41,3 tỷ đồng với khoảng 75 lô đất, để bố trí chỗ ở cho các hộ dân nằm trong vùng giải phóng mặt bằng (GPMB) của một số dự án nằm trên địa bàn TP Tam Kỳ, dự án này do Công ty TNHH Minh Sơn và Công ty CP giao thông Công chính TP Tam Kỳ thi công. Hiện tại KDC cơ bản đã xong các hạng mục, chỉ còn thảm nhựa đường là hoàn thiện”.
Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Th. trú phường Hòa Thuận nơi có KDC Thuận Trà cho biết: “KDC thi công chưa hoàn thiện xong mặt bằng, chưa thảm nhựa đường, chưa khớp nối giao thông nên mỗi khi có mưa lớn gây ra ngập lụt cục bộ. Thi công dang dở nên không thể bàn giao đất nền cho người dân xây dựng nhà, họ phải thuê nhà trọ để. Thế nhưng nghe nói họ xin dừng thi công thì chẳng biết đến khi nào KDC này mới hoàn thành”.
Chị Võ Thị A., ở phường Hòa Thuận cho biết: “Mấy hôm trước không thấy ai, nhưng sau khi Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, tôi thấy một số nhân công trở lại làm việc. Mong sao đơn vị sớm hoàn thành KDC này để bà con xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống”.
Sáng ngày 10/3, chúng tôi thấy một số ít công nhân đang thi công các hạng mục như: ống thoát nước, các trụ móng và san ủi mặt bằng. Bên cạnh nhiều bãi tập kết nguyên vật liệu, xe lu, xe cầu vẫn nằm phơi giữa trời nắng. Khi doanh nghiệp xin dừng thi công các dự án và thực trạng như vậy, nỗi lo của người dân là không biết đến khi nào KDC này mới thi công xong là có cơ sở.
Còn ghi nhận thực tế của chúng tôi tại Dự án khớp nối hạ tầng khu bắc đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Bạch Đằng đến Phan Châu Trinh), hiện tại đang dở dang, nơi đây cây cối mọc um tùm gây ra nhếch nhác và tiềm ẩn nguy cơ gây ngập úng vào mưa ở khu vực này. Ngoài ra, đoạn này vẫn còn vướng một ngôi nhà của người dân nên vẫn chưa GPMB xong.
Bà Nguyễn Thị Tỵ, trú khối phố 1, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ cho biết: “Tôi có hơn 900 m2 đất, trong đó gần 300 m2 nhà ở, đất trồng cây lâu năm, đất ao vườn thuộc diện thu hồi hết để phục vụ dự án và được đền bù khoảng 4,7 tỷ đồng nhưng phải nộp lại để bố trí TĐC 3 lô đất, nhưng theo quy định của Nhà nước mà tôi biết, thì việc áp giá đền bù 6/2000 thì hoàn cảnh như tôi được bố trí thêm 1 lô đất phụ, vì số hộ sinh sống trong một gia đình như tôi quá đông. Ngoài ra, nhà tôi đang ở trung tâm thành phố, mặt tiền mà GPMB thì bố trí TĐC sau trục đường chính ảnh hưởng đến việc buôn bán kinh doanh nên gia đình tôi chưa đồng ý”.
Nhiều người dân ở gần KDC này cho biết, việc chậm triển khai dự án gây nhếch nhác tuyến đường, ứ đọng nhiều loại rác thải và tạo môi trường thuận lợi cho ruồi, muỗi sinh trưởng dễ gây ra bệnh tật nên bà con lo lắng. Đặc biệt vào mùa mưa gây ngập úng khu vực này.
Dự án dang dở làm mất tầm nhìn quan sát của phương tiện lưu thông qua đoạn đường này dễ xảy ra TNGT. Họ càng lo vì trước đây dự án đã ì ạch, bây giờ nghe doanh nghiệp “tháo chạy” thì chẳng biết đến khi nào dự án này mới hoàng thành. Bà con rất mong các cấp sớm hoàn thiện dự án để tạo cảnh quan, cơ sở hạ tầng xanh, sạch đẹp, để người dân an tâm sinh sống, buôn bán làm ăn.
Ông Lê Đình Thành, Chủ tịch UBND phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ cho biết: “Dự án này đến nay thi công chưa xong là do vướng mặt bằng một hộ dân. Thời gian tới chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng TP Tam Kỳ tiếp tục vận động tuyên truyền đối với hộ dân này để có mặt bằng cho đơn vị thi công, đồng thời sớm bố trí khu TĐC cho hộ dân này”.
Đối với dự án trúng thầu nhưng không thi công mà “tháo chạy” là Dự án giao thông nông thôn phục vụ tránh lũ phía đông xã Tam Ngọc. Khi chúng tôi về nơi này nhiều người dân cho biết, dự án rất quan trọng, vì mùa mưa nước lũ tràn về dâng cao, khiến đường bê tông liên thôn nhiều đoạn bị ngập nước sâu rất nguy hiểm, muốn an toàn phải đi đường vòng từ 3 đến 5 km. Dự án hoàn thành còn giúp người dân dễ dàng trong vận chuyển hoa màu, đau ốm xe cấp cứu vào tận nơi chở bệnh nhân tới bệnh viện...
Bà Nguyễn Thị Thúy, ở thôn 1, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ cho biết: “Dự án này chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân thông tin cụ thể, người dân đồng tình ủng hộ. Thế nhưng mấy năm qua con đường này vẫn chưa được thi công. Mong sao các ngành chức năng sớm triển khai dự án này”.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc cho biết, chính quyền đã tổ chức họp dân và đã hoàn thành xong công tác bồi thường cho 33 hộ dân nằm trong vùng dự án đi qua, con đường này có tổng chiều dài 900 m, kinh phí đầu tư 6,3 tỷ đồng, do BQL Dự án đầu tư xây dựng TP Tam Kỳ làm chủ đầu tư.
“Nếu con đường này sớm đưa vào hoạt động sẽ giúp người dân lưu thông đi lại thuận lợi hơn trong vào mùa mưa, vì đoạn đường này thường xuyên xảy ra ngập lũ khi vào mùa mưa bão. Ngoài ra, còn làm thay đổi bộ mặt, cảnh quan ở thôn xóm”, ông Nguyễn Thanh Yên thông tin.
Ngoài ra còn nhiều dự án khác đang thi công dang dở, trong khi chỉ có một Công ty CP giao thông Công chính TP Tam Kỳ đã có đến 12 dự án thi công (trong đó có đến 9 dự án dang dở mà bây giờ đã có đơn xin “dừng thi công các công trình trên địa bàn thành phố Tam Kỳ). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi TP Tam Kỳ chính thức có thông tin cụ thể giải quyết vụ việc.