Quảng Nam định hình 2 'cung đường vàng' du lịch mới
Tỉnh Quảng Nam xem xét về việc hình thành 2 cung đường vàng kết nối du lịch từ biển lên núi và tuyến đường trục dọc ven biển.
Ngày 21-11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có văn bản giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nghiên cứu nội dung đề nghị của Công ty CP Tập đoàn FVG Travel để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định việc công bố "cung đường vàng" du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, Tập đoàn FVG Travel có công văn đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VH-TT-DL tỉnh nghiên cứu, công bố chính thức 2 "cung đường vàng" du lịch đúng nghĩa, có hướng tuyến cụ thể, đảm bảo lưu thông nhanh chóng và thông suốt.
Hai "cung đường vàng" bao gồm tuyến đường du lịch Đông - Tây từ miền biển lên miền núi, kết nối đa dạng nền văn hóa Hội An - Mỹ Sơn - Đông Giang và tuyến đường du lịch ven biển kết nối Hội An - Nam Hội An - Tam Kỳ - sân bay Chu Lai.
Bà Võ Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn FVG Travel, cho biết Quảng Nam có lợi thế nằm trên con đường di sản miền Trung, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, là nơi hội tụ, kết tinh của các nền văn hóa khác biệt trên các vùng đất trải dài từ biển lên núi.
Bà Anh cho rằng việc công bố các "cung đường vàng" du lịch là cơ sở để các doanh nghiệp trong, ngoài nước quyết tâm đầu tư và kỳ vọng hiệu quả mang lại khi đầu tư vào các điểm bứt phá du lịch trên 2 "cung đường vàng".
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho biết sở sẽ nghiên cứu các quy định và có cuộc họp với Tập đoàn FVG Travel để bàn cụ thể, trên tinh thần ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nói rằng địa phương rất đồng tình với đề xuất công bố cung đường du lịch kết nối Hội An – Mỹ Sơn – Đông Giang, đây sẽ là vùng "tam giác vàng" để thu hút khách lên các huyện miền núi.
Ông Tùng nhìn nhận thu hút được khách thì chắc chắn những sản phẩm nông nghiệp của địa phương, những bản sắc văn hóa cũng sẽ được phát huy và phát triển.
Ông ví dụ, qua 5 năm hoạt động, Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang đã mang lại tác động tích cực, giải quyết trên 200 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, nhiều bản sắc văn hóa của người Cơ Tu như múa tung tung da dá, hát lý, nói lý, dệt thổ cẩm được bảo tồn, phát huy. Khu du lịch cũng ký kết bao tiêu sản phẩm ớt A riêu, sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng, khó khăn là hiện nay là giao thông kết nối chưa hoàn thiện. Hiện tuyến đường ĐT 609 từ Đại Lộc lên Đông Giang đang được đầu tư mở rộng, trong khi Quốc lộ 14G từ Đà Nẵng lên là tuyến đường huyết mạch, kết nối 2 huyện Đông, Tây Giang nhưng còn khoảng 50 km chưa được đầu tư nâng cấp nên rất khó cho việc thu hút các nhà đầu tư và du khách. Vì vậy, ông Tùng đề nghị cùng với việc công bố "cung đường vàng" du lịch cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.