Quảng Nam: Khẩn cấp di dân vì sạt lở núi

Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, người dân miền núi tỉnh Quảng Nam lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở núi, lũ quét đe dọa đến tính mạng và tài sản. Mới đây tình trạng sạt lở núi lại xảy ra, chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời người dân đến nơi an toàn.

Sạt lở núi làm hư hỏng nhà dân ở làng Tăk Chay (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My). Ảnh: Tấn Thành.

Sạt lở núi làm hư hỏng nhà dân ở làng Tăk Chay (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My). Ảnh: Tấn Thành.

Vừa qua, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày trên địa bàn huyện Nam Trà My và huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xuất hiện một số điểm sạt lở đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Chính quyền 2 huyện đã khẩn cấp sơ tán hàng chục hộ dân cùng tài sản đến nơi an toàn.

Bà Hồ Thị Diệp (ở làng Tăk Chay, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) kể lại: “Mưa lớn từ tối 17 đến sáng 18/9. Tôi thức trắng cả đêm không dám ngủ, đến khoảng 2 giờ sáng thì xảy ra sạt lở. May mà sơ tán kịp”.

Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, xã đã vận động 8 hộ dân với 44 nhân khẩu tại khu dân cư (KDC) ở thôn 1 và thôn 5 đến nơi an toàn. Để di dân an toàn trong mọi tình huống xã đã chuẩn bị lực lượng xung kích tại chỗ gần 200 người luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang, ngày 19/9, sau khi phát hiện vết nứt tại điểm 56B, xã Đắc Pre, huyện đã tổ chức di dời 4 hộ/11 khẩu tập trung về ở tại Trường Mẫu giáo thôn 56A, B; 7 hộ/30 khẩu về ở xen ghép trong các hộ dân, người thân. Lực lượng chức năng cũng đã căng dây, đặt biển báo cấm người và phương tiện qua lại nơi có nguy cơ sạt lở; đồng thời phân công lực lượng dân quân, công an tổ chức trực, theo dõi, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, qua kiểm tra ghi nhận vết nứt có chiều sâu 1,5 - 5m, chiều dài khoảng 120m. Nhiều đoạn có dấu hiệu sụt trượt, đường nứt mở rộng và ngấm nước, nguy cơ đất sụt trôi xuống phía nhà dân. Sau kiểm tra, huyện sẽ họp bàn phương án, đồng thời báo cáo UBND tỉnh có biện pháp khắc phục khẩn cấp đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã rà soát tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở, các KDC, nhà dân nằm trong vùng có nguy cơ mất an toàn, chuẩn bị sẵn sàng phương án để chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 39 KDC có nguy cơ mất an toàn và sẽ di dời dân ngay khi có dấu hiệu bất ổn. Tổng số nhân khẩu dự kiến di dời đến nơi tránh trú an toàn khi có bão, sạt lở toàn huyện là 11.780 người. Còn đối với những KDC đã xây dựng, cuộc sống bà con đã ổn định.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, khu vực KDC thôn 56B, xã Đắc Pre có thể tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào và đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Để đảm bảo an toàn, người dân nên tuân thủ yêu cầu của chính quyền địa phương, tuyệt đối không quay trở lại làng cũ trong thời điểm này. Ông Lê Văn Dũng yêu cầu lãnh đạo huyện Nam Giang khẩn trương hoàn tất các thủ tục, chọn vị trí an toàn để xây dựng khu tái định cư mới, đồng thời hỗ trợ kinh phí để người dân thôn 56B di dời đến nơi ở mới trước Tết Nguyên đán năm nay.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, những khu tái định cư đã được xây dựng, cuộc sống của người dân nơi đây rất ổn định. Như tại các KDC ở thôn 3, xã Trà Cang, KDC Bằng La, xã Trà Leng, bà con được chính quyền địa phương bố trí hàng trăm m2 đất ở và xây dựng nhà cửa, đường bê tông, hệ thống lưới điện và trường học, trạm y tế khang trang nhằm phục vụ cuộc sống của người dân.

Theo ông Võ Hồng Siêu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My, từ năm 2017 đến nay huyện đã triển khai thực hiện, sắp xếp ổn định 64 KDC/2.954 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 175 tỷ đồng. Những KDC này người dân đã ổn định cuộc sống. Hiện nay huyện tiếp tục xây dựng khẩn cấp 2 khu tái định cư với tổng diện tích 2,4ha, ổn định đời sống sinh hoạt cho 65 hộ dân địa phương.

Được biết, việc bố trí đất ở KDC mới, có diện tích tối thiểu 150m2/hộ; Di chuyển nhà về nơi ở mới 20 triệu đồng/hộ; san lấp nền nhà 30 triệu đồng/nền nhà/hộ; hệ thống nước sinh hoạt 1,5 triệu đồng/hộ; Đường dây điện đấu nối đến từng hộ (phần sau công tơ), chiều dài tối đa 100m/hộ.... với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 968.222 triệu đồng.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-nam-khan-cap-di-dan-vi-sat-lo-nui-10290982.html