Quảng Nam: Kiên quyết điều chuyển, cắt giảm vốn dự án không có khả năng giải ngân, giải ngân chậm

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn từ các công trình, dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình, dự án giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn,...

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng tại cuộc họp với các Tổ công tác về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đến ngày 20/9/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu công của tỉnh Quảng Nam năm 2024 mới đạt 39%, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra. Việc giải ngân kế hoạch vốn chậm có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, cụ thể: các cấp ủy đảng, chính quyền chưa vào cuộc một cách đồng bộ, thiếu quyết liệt, còn thờ ơ trong công tác chỉ đạo điều hành, việc chỉ đạo thực hiện của các đơn vị chủ đầu tư chưa sâu sát, thiếu cụ thể; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao…

Đến ngày 20/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu công của tỉnh Quảng Nam năm 2024 mới đạt 39%, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra.

Đến ngày 20/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu công của tỉnh Quảng Nam năm 2024 mới đạt 39%, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra.

Để đẩy mạnh thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đạt chỉ tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh, thời gian đến cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công: điều chuyển, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đưa chỉ tiêu giải ngân là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm và xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 của các đơn vị, địa phương.

Đồng thời, kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn từ các công trình, dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình, dự án giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn, các dự án đã quyết toán hoàn thành và các dự án có nhu cầu thanh toán nợ khối lượng, giải phóng mặt bằng và các dự án ngân sách tỉnh đang nợ khối lượng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của Chính phủ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, tham mưu UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn trong nội bộ chủ đầu tư hoặc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét điều chuyển kế hoạch vốn giữa các chủ đầu tư, địa phương trong tháng 10/2024.

Đối với việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2024, ông Lê Văn Dũng giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng theo dõi, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; chủ động đăng ký làm việc, xin ý kiến đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Đối với việc điều chuyển, giải nhân các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia: giao ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, quyết định đối với nội dung này.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, không để dồn hồ sơ thanh toán gộp nhiều đợt nghiệm thu vào những ngày cuối năm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; tổ chức lập hồ sơ quyết toán ngay sau khi công trình hoàn thành để tăng tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch; thực hiện đúng quy định về mức vốn tạm ứng; rà soát nợ tạm ứng quá hạn để khẩn trương thu hồi, xử lý, đề xuất các phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn. Chủ động phối hợp và gửi danh sách nhà thầu có số dư tạm ứng quá hạn cho Kho bạc nhà nước nơi giao dịch, nếu nhà thầu có khối lượng thanh toán của các công trình khác thì đề xuất xử lý các thủ tục để cấn trừ, thu hồi vốn kịp thời.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thiếu đất đắp và cát xây dựng để đầu cơ, lên giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi cấu kết giữa các chủ mỏ vật liệu để tạo khan hiếm giả, nâng giá. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với diễn biến giá thị trường, bảo đảm theo quy định pháp luật về xây dựng.

Tăng cường kiểm tra trực tiếp, thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm để kịp thời ghi nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc; các Tổ Công tác tiếp tục đi kiểm tra thực tế, giám sát, đôn đốc thực hiện các dự án, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng dự án tại các địa phương, đơn vị.

Hơn nữa, Tổ công tác tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những vấn đề vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền; xác định giải ngân vốn là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và địa phương để phấn đấu từ nay đến cuối năm giải ngân hết 100% vốn theo kế hoạch. Yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tập trung tối đa, quyết liệt trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/quang-nam--kien-quyet-dieu-chuyen--cat-giam-von-du-an-khong-co-kha-nang-giai-ngan--giai-ngan-cham-127600.htm