Quảng Nam kỷ niệm 50 năm chiến thắng Thượng Đức

'Thượng Đức - bản hùng ca bất tử' là chủ đề của chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức ( 7/8/1974 – 7/8/2024).

Tối 7/8, tại Tượng đài chiến thắng Thượng Đức (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974 – 7/8/2024).

Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5; đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, tướng lĩnh là người con của quê hương Quảng Nam. Đặc biệt là sự có mặt của các cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Thượng Đức năm 1974.

Các vị đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Các vị đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Trong không khí trang nghiêm của lễ kỷ niệm, các vị đại biểu đã thành kính dâng hoa, thắp những nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì quê hương đất nước, những đồng đội, đồng chí chiến đấu ngoan cường vì lý tưởng độc lập dân tộc, vì tự do cho nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, ngược dòng lịch sử, Chi khu quân sự Thượng Đức được Mỹ xây dựng trở thành tiền đồn vững chắc để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía Tây Quảng Đà. Chi khu quân sự gồm một cụm cứ điểm kiên cố nằm ở thôn Hà Tân, xã Lộc Bình (nay là xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), nơi ngã ba sông, cách Đà Nẵng hơn 40km đường chim bay.

Theo đánh giá của địch, Thượng Đức là “Mắt ngọc của đầu rồng”, là “Cánh cửa thép bất khả xâm phạm”. Thượng Đức nằm trong thế phòng thủ chung thuộc Vùng I chiến thuật của Mỹ - ngụy, “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng. Các tướng lĩnh của địch kiêu ngạo thách thức: “Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức!”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Về phía ta, do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Thượng Đức, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng, bảo đảm đời sống cho hơn 10.000 dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”. Chiến dịch Thượng Đức được đặt mật danh là K711.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 29/7/1974, Sư đoàn 304 nổ súng tấn công Thượng Đức, trận chiến kéo dài nhiều ngày. Với tinh thần anh dũng chiến đấu, đến 8 giờ 30 phút sáng 7/8/1974, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự Thượng Đức, “cánh cửa thép Thượng Đức” bảo vệ phía tây Đà Nẵng bị quân giải phóng phá toang, giải phóng hơn 1 vạn dân quay về quê cũ đón niềm vui chiến thắng. Đây là một trong những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam, có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn, tạo nên những cơ sở thực tiễn vững chắc để Bộ Chính trị xây dựng quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam tặng quà tri ân cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, đại diện các đơn vị tham gia góp nên chiến thắng Thượng Đức.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam tặng quà tri ân cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, đại diện các đơn vị tham gia góp nên chiến thắng Thượng Đức.

“Chiến thắng Thượng Đức là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng sinh động cho lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song của quân đội ta, của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 và các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà, huyện Đại Lộc. Khẳng định sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết quân dân...”, ông Triết nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng cho rằng, niềm tự hào về Chiến thắng Thượng Đức chắc chắn sẽ là hành trang sức mạnh, là niềm tin, là tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, viết tiếp trang sử hào hùng và quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển, xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật chủ đề "Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử" tại lễ kỷ niệm.

Tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật chủ đề "Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử" tại lễ kỷ niệm.

Chương trình nghệ thuật để lại nhiều cảm xúc cho đại biểu dự khán tại lễ kỷ niệm.

Chương trình nghệ thuật để lại nhiều cảm xúc cho đại biểu dự khán tại lễ kỷ niệm.

Dịp này, tỉnh Quảng Nam tặng quà cho đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện Ban liên lạc Cựu chiến binh Quân đoàn 2, Sư đoàn 304 và Sư đoàn 324.

Cùng với đó là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử”, gồm 3 chương: Chương 1 - Bản hùng ca bất tử, Chương 2 - Quê hương cách mạng, Chương 3 - Tiếp bước đi lên. Các tiết mục được trình diễn bởi các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam, nhằm khơi dậy niềm tự hào và tình cảm cao đẹp, dâng tặng người xem một bản tình ca bất tử về một thời đau thương nhưng rất đổi hào hùng trên mảnh đất Quảng Nam.

Vân Anh - Công Huy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quang-nam-ky-niem-50-nam-chien-thang-thuong-duc-post521140.html