Quảng Nam kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ
Ngày 28/9, tại Di tích quốc gia 'Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954' trên địa bàn xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ (29/9/1954 - 29/9/2024).
Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, cựu chiến binh cùng đông đảo người dân huyện Tiên Phước và các địa phương phụ cận.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trấn Anh Tuấn khẳng định: Cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đã vạch trần tội ác thâm độc của quân thù trước nhân dân trong nước và thế giới. Cuộc đấu tranh là minh chứng, hiện thân cho lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, anh hùng bất khuất của nhân dân Quảng Nam nói chung, Tiên Phước nói riêng trong cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp, bất công của chế độ tay sai và đế quốc xâm lược. Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh và giàu truyền thống cách mạng, nhiều danh nhân lịch sử yêu nước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… huyện cần kế thừa tinh thần yêu nước của các thế hệ đi trước, phát huy các tiềm năng thế mạnh của địa phương, xây dựng đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đi lên.
Cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ khởi phát từ khi đồng chí Nguyễn Thông - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính xã Tiên Thọ bị bọn tay sai bắt vào ngày 27/9/1954. Trước áp lực của nhân dân, bọn tay sai đã thả đồng chí Nguyễn Thông vào ngày 28/9/1954, nhưng đến sáng 29/9/1954 thì bắt lại lần nữa. Quần chúng nhân dân lại kéo đến đấu tranh.
Dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ xã Tiên Thọ, người dân vây quanh nhà Ngô Ngọc Hường là nơi đặt trụ sở của bọn tay sai địch, yêu cầu bảo đảm cho nhân dân đi lại làm ăn bình thường; nhân dân tối đến được thắp đèn, làm rơm đạp lúa; không được bắt bớ khủng bố những người kháng chiến để trả thù...
Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân xã Tiên Thọ, người dân ở các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Thọ, Tiên Lập ồ ạt kéo xuống chợ Cây Cốc. Chỉ mấy chốc, đồng bào ở các xã kéo đến, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hô khẩu hiệu náo động các ngã đường, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh. Đồng bào ở các địa phương Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Quảng Ngãi đi buôn bán tại Tiên Phước cũng hăng hái tham gia, khí thế đấu tranh quyết liệt, làn sóng căm thù giặc, ngọn lửa đấu tranh rực cháy...
Trước áp lực của nhân dân, bọn địch ở Cây Cốc cấp báo cho đồng bọn ở Tam Kỳ chi viện, vây hãm đồng bào, đàn áp cuộc đấu tranh bằng vũ lực. Nhưng kẻ thù càng tàn bạo, nhân dân ta càng sôi sục chí căm thù. Đồng bào ta nhất tề hô vang khẩu hiệu, lên án tội ác của giặc... Hơn 330 đồng bào, đồng chí đảng viên trung kiên đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh Cây Cốc vào những ngày cuối tháng 9 năm 1954.
Kết thúc chiến tranh, nhân dân Tiên Phước bước vào xây dựng lại quê hương, tích cực tham gia lao động, sản xuất, khai hoang phục hóa, khắc phục hậu quả chiến tranh, cải thiện đời sống nhân dân. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt, 14 xã đã về đích nông thôn mới; 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao và thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn Văn minh đô thị; huyện Tiên Phước hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2024.
Ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên phước nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo nên thế và lực mới, đưa huyện Tiên Phước ngày càng phát triển nhanh, bền vững.