Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), khắp nơi ở Quảng Nam lại rộn ràng bước vào mùa làm bánh ú tro.
Là gia đình có truyền thống làm bánh ú tro từ bao đời nay, những ngày này, nhà chị Nguyễn Thị Xuân Mai (thôn Nghĩa Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) lúc nào cũng có từ 20-30 người đến nhận gói bánh thuê để kịp cung ứng ra thị trường.
Chị Mai cho biết, năm nay vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên sức mua cũng khá hơn so với năm trước. Gia đình chị chuẩn bị hơn 800kg nếp, dự kiến cho ra thị trường khoảng 80.000 bánh.
Bà Hà Thị Bảy (70 tuổi, thôn Nghĩa Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa) với thâm niên hơn 30 năm trong nghề làm bánh ú tro cho biết, bánh ú tro được làm từ gạo nếp quê ngâm với tro (được lắng từ tro mè). Nếp sau khi ngâm, nếp có màu hơi ngả vàng. Lá dùng để gói bánh lá cây đót được đặt mua từ vùng núi cao huyện Phước Sơn, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam)… Lá đem về sẽ được luộc (phơi) qua, rồi cắt gọn.
Công đoạn chuẩn bị lá gói, chuẩn bị nguyên liệu tới gói bánh, nấu bánh đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo.
Sau khi gói xong, hàng chục nghìn bánh ú tro lớn, nhỏ sẽ được nấu trong vòng khoảng 3-5 giờ để chín nếp cũng như đảm bảo được độ dẻo đặc trưng của bánh.
Bánh ú tro năm nay có giá dao động từ 13.000 đồng đến 40.000 đồng/10 cái tùy loại.
Hiện tất cả bánh đã được các thương lái đặt trước. Các lò bánh phải “đỏ lửa” xuyên đêm để kịp cung cấp đủ số lượng bánh ra thị trường đúng dịp Tết Đoan Ngọ.
Các cơ sở đã “huy động” tối đa thợ gói bánh để có thể cung ứng đủ số lượng bánh ra thị trường. Đa phần những thợ bánh này là bà nội trợ, các bạn học sinh, sinh viên nghỉ hè kiếm thêm thu nhập. Việc gói bánh tuy chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng đã tạo nguồn thu nhập khá cho các thợ gói bánh. Trung bình mỗi thợ sau dịp Tết Đoan Ngọ kiếm được từ 2-3 triệu đồng.
Thị trường tiêu thụ bánh ú tro chủ yếu là ở TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh thành ở Tây Nguyên. Ngoài một số thôn tại huyện Đại Lộc thì ở TP. Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, (tỉnh Quảng Nam) cũng vẫn còn duy trì nghề truyền thống này.
Đối với những chủ lò bánh ú tro tại Quảng Nam, nghề này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa ẩm thực lâu đời của con người xứ Quảng.
Hạ Vĩ