Quảng Nam lên tiếng về diện mạo Chùa Cầu sau tu bổ

Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nêu quan điểm về diện mạo di tích Chùa Cầu sau tu bổ.

Ngày 29-7, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, đã có những chia sẻ với báo chí liên quan đến ý kiến trái chiều của dư luận về diện mạo di tích Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) sau khi tu bổ.

Theo ông Hồng, Chùa Cầu là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An - vừa là Di sản Văn hóa thế giới.

Diện mạo di tích Chùa Cầu sau tu bổ nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây

Diện mạo di tích Chùa Cầu sau tu bổ nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây

Di tích Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần chứ không phải là đầu tiên. Việc trùng tu lần này là cấp bách vì công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến.

Việc trùng tu đã được UBND TP Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đã được UBND tỉnh, Bộ VH-TT-DL phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn.

Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết theo báo cáo của Hội An và thực tế tại di tích Chùa Cầu hiện nay, sau khi trùng tu cho thấy Hội An đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích.

"Việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An (nhất là hình ảnh cổ kính của Chùa Cầu) và Quảng Nam.

Clip: Toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau tu bổ

Ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn" – ông Hồng chia sẻ.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư; Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý thực hiện; có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỉ. Dự án có sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản.

Dự án khởi công vào ngày 28-12-2022, dự kiến sẽ được khánh thành vào tháng 12-2023. Tuy nhiên, quá trình tu bổ gặp một số trở ngại, có thời điểm phải gián đoạn để tham vấn ý kiến chuyên gia. Vì vậy, dự án đến nay mới cơ bản hoàn thiện.

Mấy ngày qua, khi hình ảnh di tích Chùa Cầu sau trùng tu xuất hiện, nhiều ý kiến khen đẹp nhưng nhiều người cho rằng màu sơn và mái ngói tạo cảm giá di tích "mới" hơn, bớt đi phần cổ kính. Lãnh đạo UBND TP Hội An cũng đã đăng đàn giải thích đồng thời ban hành thông cáo báo chí nêu rõ quá trình trùng tu để người dân và dư luận hiểu hơn.

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quang-nam-len-tieng-ve-dien-mao-chua-cau-sau-tu-bo-196240729175443673.htm