Quảng Nam: Nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025
Trong quý I/2025, quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Nam (GRDP giá hiện hành) ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 1,9 nghìn tỷ đồng (+7,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin tại buổi họp báo.
Chiều 3/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025. Buổi họp báo do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì cùng sự tham dự của lãnh đạo các Sở, Ban, ngành.
Cụ thể, trong quý I/2025, quy mô nền kinh tế tỉnh (GRDP giá hiện hành) ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 1,9 nghìn tỷ đồng (+7,4%) so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu GRDP quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,2%; khu vực dịch vụ chiếm 40,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 16,1%. Tổng giá trị tăng thêm (VA) của các ngành kinh tế ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế, tổng giá trị tăng thêm (VA) của khu vực này ước tính quý I/2025 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong quý I/2025, quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Nam (GRDP giá hiện hành) ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 14,8% so với cùng kỳ. VA toàn ngành công nghiệp quý I/2025 ước tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,48 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung.
Ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; thiếu vật liệu xây dựng; cùng với việc tạm dừng triển khai một số công trình, dự án đầu tư công theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn.
Báo cáo cho thấy, so với cùng kỳ năm 2024, có 307 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,42%, số vốn đăng ký đạt 1.426,91 tỷ đồng, giảm 1,28%; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 192 doanh nghiệp, giảm 10,28%. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 499 doanh nghiệp, giảm 1,77%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 826 tăng 16,01% so với cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 10 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký khoảng 623,68 tỷ đồng; cấp mới 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 12,34 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa tỉnh có 1.177 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 230 nghìn tỷ đồng và 205 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định việc sáp nhập với thành phố Đà Nẵng là chủ trương đúng đắn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho hay, tình hình kinh tế - xã hội Quảng Nam quý I được thực hiện trong bối cảnh nhiều thời cơ thuận lợi, nhiều khó khăn. Sau cuộc họp với tỉnh, Thủ tướng Chính phủ có thông báo kết luận. Những đề án lớn của Quảng Nam được thống nhất chủ trương; các Bộ, ngành Trung ương rất ủng hộ.
“Đây là thời cơ lớn, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong không khí đoàn kết thống nhất, dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn đặc biệt kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn từ nhiều phía nhất là từ tình hình kinh tế nói chung, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, cơ quan trong hệ thống chính trị, chủ trương của Trung ương sáp nhập xã, chủ trương bỏ cấp huyện, dự kiến sáp nhập xã”, ông Lê Văn Dũng nói.
Trả lời phóng viên về chủ trương sáp nhập Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam cho hay, hai địa phương gộp về một là chủ trương đúng đắn.
“Không gian phát triển thành phố Đà Nẵng rất chật chội, trong khi đó Quảng Nam có không gian rất rộng mở, đất rộng người thưa. Hai địa phương nhập lại có không gian phát triển rộng hơn thì đó hoàn toàn là điều đúng đắn”, ông Lê Văn Dũng cho biết.

Nhiều chuyển biến tích cực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong quý I/2025.
Ông Lê Văn Dũng thông tin thêm, hiện nay về chủ trương của Trung ương có thông báo nhập đơn vị, về trung tâm hành chính, tên gọi. Trung ương giao Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thực hiện đề án sắp xếp này, tới đây hai Ban Thường vụ của hai địa phương sẽ ngồi lại, bàn bạc, thống nhất mới triển khai.
Ngày 29/3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban thường vụ tỉnh Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Tại buổi làm việc này, Tổng Bí thư quán triệt chủ trương, sáp nhập là chủ trương lớn, định hướng xây dựng thành phố có tầm cỡ thế giới, không gian phát trển đi đầu trong đô thị hóa đất nước.
Ngoài ra, thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án, dưới Ban Chỉ đạo có tổ giúp việc. Các vấn đề liên quan sẽ được Ban Thường vụ hai địa phương bàn luận, quyết định. Vấn đề nào xin ý kiến Trung ương thì sẽ xin ý kiến, vấn đề nào hai địa phương quyết được thì sẽ quyết.