Thuế quan đánh vào chuỗi cung ứng ô tô Bắc Mỹ, 5 nhà máy Mỹ phải sa thải công nhân

Tập đoàn Stellantis đã tạm ngừng sản xuất tại một số nhà máy lắp ráp ô tô ở Canada và Mexico sau khi các mức thuế mới được công bố. Hậu quả là một số công nhân tại Mỹ cũng sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời.

Xe ô tô mới được bày bán tại Vancouver, British Columbia, Canada ngày 3/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Xe ô tô mới được bày bán tại Vancouver, British Columbia, Canada ngày 3/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN ngày 3/4, trong số những người bị cho nghỉ việc có 900 công nhân làm việc theo giờ tại Mỹ. Đây là những người sản xuất hệ truyền động và các bộ phận dập để cung cấp cho các nhà máy ở Canada và Mexico vốn bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Những công nhân Mỹ bị ảnh hưởng đang làm việc tại 5 nhà máy khác nhau ở vùng Trung Tây: nhà máy Warren Stamping và Sterling Stamping ở bang Michigan, cùng với ba nhà máy ở Kokomo (bang Indiana) gồm Indiana Transmission Plant, Kokomo Transmission Plant và Kokomo Casting Plant.

Phần lớn các công nhân tại năm nhà máy này sẽ không bị mất lương ngay lập tức nhờ vào các điều khoản trong hợp đồng công đoàn. Tuy nhiên, họ vẫn có nguy cơ mất thu nhập, ngay cả khi có sự bảo vệ từ công đoàn, nếu tình trạng ngừng hoạt động tại các nhà máy ở Mexico và Canada kéo dài.

Nhà máy lắp ráp của Stellantis tại Windsor (Ontario, Canada) - nơi sản xuất mẫu xe Pacifica và Voyager của hãng Chrysler cũng như Dodge Charger Daytona sẽ đóng cửa trong hai tuần bắt đầu từ 7/4. Nhà máy này có 4.500 công nhân làm việc theo giờ.

Cũng bắt đầu từ ngày này, nhà máy lắp ráp của Stellantis tại Toluca (Mexico) - nơi sản xuất mẫu xe Jeep Compass và mẫu xe điện Wagoneer S - sẽ tạm ngừng hoạt động đến hết tháng 4. Nhà máy Toluca có 2.400 công nhân làm việc theo giờ.

Trong một bản ghi nhớ gửi đến công nhân của Stellantis tại khu vực Bắc Mỹ, Giám đốc điều hành khu vực châu Mỹ của Stellantis, ông Antonio Filosa, cho biết công ty đang tiếp tục đánh giá các tác động trung hạn và dài hạn của các mức thuế này đối với hoạt động của tập đoàn, đồng thời cũng đã quyết định thực hiện một số hành động ngay lập tức. Ông nói: “Đây là những hành động mà chúng tôi không dễ dàng đưa ra, nhưng là cần thiết trong bối cảnh thị trường hiện nay. Chúng tôi hiểu rằng môi trường hiện tại tạo ra nhiều bất ổn. Hãy yên tâm rằng chúng tôi đang tích cực làm việc với tất cả các bên liên quan quan trọng, bao gồm các nhà lãnh đạo chính phủ hàng đầu, công đoàn, nhà cung cấp và đại lý tại Mỹ, Canada và Mexico để cùng nhau thích ứng với những thay đổi này”.

Chủ tịch công đoàn United Auto Workers, ông Sean Fain, đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Stellantis. Ông nói: “Stellantis tiếp tục đùa giỡn với cuộc sống của người lao động. Những đợt sa thải này hoàn toàn là quyết định không cần thiết mà công ty đưa ra. Vẫn là những điều cũ và là biểu hiện rõ ràng của hệ thống thương mại thất bại. Các công ty như Stellantis đang biến người lao động thành vật hy sinh để trả giá cho những quyết định kém cỏi của ban quản lý, và điều đó là không thể chấp nhận”.

Dù trước đây từng chỉ trích Tổng thống Trump, nhưng ông Fain và công đoàn của ông lại ủng hộ mạnh mẽ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump với niềm tin rằng sản xuất ô tô sẽ được đưa trở lại các nhà máy ở Mỹ thay vì đặt ở Mexico hay các quốc gia khác. Tuy nhiên, nếu có thay đổi như vậy thì cũng sẽ mất ít nhất vài tháng, nếu không nói là vài năm.

Unifor, công đoàn đại diện cho các công nhân ngành ô tô tại Canada, cũng chỉ trích quyết định của Stellantis. Chủ tịch Unifor Lana Payne cho biết: “Unifor từng cảnh báo rằng mức thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng gần như ngay lập tức đến công nhân ngành ô tô và trong trường hợp này, các đợt sa thải đã được công bố trước cả khi mức thuế chính thức có hiệu lực. Tổng thống Trump sắp phải học một bài học lớn về mức độ gắn kết trong hệ thống sản xuất tại Bắc Mỹ và công nhân ngành ô tô chính là người phải trả giá cho bài học đó”.

Trước đó, ngày 26/3, Tổng thống Trump thông báo quyết định áp thuế lên tới 25% đối với tất cả ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu Mỹ.

Tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ đã khiến ngành công nghiệp ô tô và thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển. Các chuyên gia ngành công nghiệp ô tô dự đoán động thái trên sẽ đẩy giá thành ô tô lên cao và kìm hãm sản xuất trong ngành này.

Mỹ nhập khẩu một lượng xe hơi các loại trị giá tới 474 tỷ USD trong năm 2024, trong đó kim ngạch nhập khẩu xe chở khách là 220 tỷ USD. Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Đức, các đồng minh thân cận của Washington, là những nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường ô tô ở Mỹ.

Ngày 3/4, Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan có mục tiêu đối với ô tô sản xuất tại Mỹ, với mức thuế 25% đối với tất cả các loại xe nhập khẩu từ Mỹ không tuân thủ Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Mặc dù Canada không nằm trong làn sóng áp thuế quan đối ứng mới nhất của Mỹ, nhưng Tổng thống Trump vẫn tiếp tục đưa ra những chỉ trích liên quan đến thuế quan nông nghiệp của Canada gắn liền với quản lý chuỗi cung ứng.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thue-quan-danh-vao-chuoi-cung-ung-o-to-bac-my-5-nha-may-my-phai-sa-thai-cong-nhan-20250404114522765.htm