Quảng Nam nỗ lực đưa sâm Ngọc Linh xứng đáng với tầm vóc sản phẩm quốc gia

Nhằm tăng cường xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đến thị trường trong và ngoài nước, UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI năm 2024 với chủ đề 'Ngọc Linh - Mãi mãi tự hào' diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3-8.

Chính quyền quận HamYang (Hàn Quốc) đến Lễ hội sâm Ngọc Linh để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc trồng sâm và đầu tư chế biến sâm.

Chính quyền quận HamYang (Hàn Quốc) đến Lễ hội sâm Ngọc Linh để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc trồng sâm và đầu tư chế biến sâm.

Phát biểu khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh vào tối 1-8, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, cây sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My và huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Sâm Ngọc Linh là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Tháng 6 - 2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia và Quốc hội đưa cây sâm Ngọc Linh vào loại cây trồng chủ lực trong Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngày 1-6-2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; trong đó xác định cây sâm Ngọc Linh là một loại cây chiến lược, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay, huyện Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích trên 15.000ha; bảo tồn được khoảng 100ha với khoảng 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.650ha với hơn 1.500 hộ dân tham gia trồng; 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng với diện tích hơn 341,75ha. Giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trồng sâm vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành cây dược liệu chủ lực của huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá, sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, sánh ngang những loại sâm ở Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Canada... Với giá trị đặc biệt quan trọng, cây sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là sản phẩm Quốc gia. Lễ hội sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My hằng năm là dịp để giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế loại cây sâm Ngọc Linh đặc biệt quý hiếm của Việt Nam, được xem là "vàng xanh" mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, từng bước thoát khỏi huyện nghèo, đưa sâm Ngọc Linh xứng đáng với tầm vóc sản phẩm Quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị, lãnh đạo huyện Nam Trà My cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 611/QD-TTg ngày 1-6-2023 của Thủ tưởng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, không du nhập các loại giống sâm khác vào trồng trên địa bàn.

Song song với đó, lãnh đạo huyện Nam Trà My yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan trong việc trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; thực hiện tốt công tác quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh phê duyệt; khẩn trương giao đất dưới tán rừng cho các hộ, nhóm hộ đồng bào trồng sâm Ngọc Linh trong vùng quy hoạch; tận dụng lợi thế về cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh để tập trung phát triển du lịch sinh thái, nhất là du lịch vùng sâm…

Trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh, ngày 1-8 diễn ra hội thi sâm và phiên đấu giá sâm Ngọc Linh thu hút rất đông người dân và du khách tham gia. Hội thi sâm Ngọc Linh có hơn 50 hộ trồng sâm trên địa bàn mang đến 250 cây sâm tham gia tranh tài. Qua chấm chọn, ban giám khảo đã trao 28 giải cho 28 cây sâm đẹp nhất ở 4 nhóm độ tuổi. Trong đó củ sâm Ngọc Linh nặng 260g thuộc nhóm 8 đến 10 tuổi của hộ ông Nguyễn Văn Lượng (50 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Linh) giành giải đặc biệt.

Kết thúc hội thi sâm, có 11 tổ chức, cá nhân tặng những củ sâm dự thi để đấu giá ủng hộ kinh phí xóa nhà tạm cho hộ nghèo theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Trong đó, 3 củ sâm của ông Lượng được 1 doanh nghiệp đấu giá mua cao nhất 129 triệu đồng. Kết quả, buổi đấu giá đã thu về hơn 360 triệu đồng, toàn bộ kinh phí trên dùng để ủng hộ công tác xóa nhà tạm trên địa bàn huyện Nam Trà My. Phiên chợ sâm Ngọc Linh và Dược liệu miền núi diễn ra từ ngày 1 đến 3-8, có 60 gian hàng giới thiệu, bán sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu miền núi huyện Nam Trà My cho người dân và du khách trong và ngoài nước.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quang-nam-no-luc-dua-sam-ngoc-linh-xung-dang-voi-tam-voc-san-pham-quoc-gia-post299124.html