Quảng Nam phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mục tiêu Quảng Nam hướng đến phát triển Sâm Ngọc Linh được ví như 'quốc bảo của Việt Nam' thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống.
Một trong những ngành kinh tế mũi nhọn
Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia, là “Quốc bảo” của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn rất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết trong công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chưa phát huy được giá trị, hiệu quả sản xuất đem lại chưa tương xứng với tiềm năng tại địa phương.
Với mục tiêu phát triển sản xuất và chế biến Sâm Ngọc Linh trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi; gắn việc sản xuất Sâm Ngọc Linh với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương, tỉnh Quảng Nam đã có dự thảo về đề án triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Hiện, Quảng Nam có diện tích quy hoạch để phát triển trồng sâm là 15.567ha, trong đó khu vực có độ từ 1.200 - 2.000m là 13.329ha, trên 2.000m là 2.238ha.
Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh là 848,2ha, trong đó: Hộ gia đình, cá nhân: 483,7ha; tổ chức doanh nghiệp: 364,5ha.
Tỉnh Quảng Nam đã đưa ra các mục tiêu ngắn và dài hạn. Đến năm 2025, tỉnh dự định xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ) nguồn gen cây Sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên. Phát triển sản xuất giống cây Sâm Ngọc Linh đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất.
Tỉnh xây dựng và phát triển vùng sản xuất Sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để phát triển Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.
Trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh
Đến năm 2030, địa phương sẽ cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Quy mô sản xuất đạt 500.000 cây giống/năm.
Hỗ trợ đầu tư, hình thành khoảng 50 - 100 vườn Sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; hàng năm sản xuất được 10 - 20 triệu cây giống Sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi/năm, kể cả cây giống do 2 đơn vị bảo tồn sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh hoàn thiện 1 bộ quy trình hướng dẫn về sản xuất cây giống; quy trình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế và bảo quản cây Sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn của GACP - WHO phù hợp với địa phương trên cơ sở Bộ Tiêu chuẩn quốc gia; cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ; thẩm định, cấp mã số vùng trồng; lập hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận CITES, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng theo quy định đối với các tổ chức, cơ sở thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sản xuất Sâm Ngọc Linh (tự nhiên).
Bên cạnh đó, phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với diện tích đạt 8.400 ha, phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tổng sản lượng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn Sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Phấn đấu 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP - WHO (khoảng 15 - 30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO).
Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút từ 100 - 150 tổ chức đầu tư, phát triển sản xuất sâm giống; trồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, trong đó có 50% cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn GMP – WHO.
Đến năm 2045, Quảng Nam sẽ trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP - WHO (khoảng 50% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP -WHO). Phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân.
Để làm được các nhiệm vụ trên, tỉnh Quảng Nam bắt đầu vào thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn Sâm Ngọc Linh được đặt lên hàng đầu, nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống Sâm Ngọc Linh chất lượng, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh tập trung.
Tỉnh thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Sâm Ngọc Linh, xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại. Phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Ngọc Linh gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.