Quảng Nam phát triển trên hầu hết các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm
Theo ông Bửu, tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm có xu hướng phục hồi tích cực so với năm 2023 và phát triển trên hầu hết các lĩnh vực.
Chấm dứt đà tăng trưởng âm
Ngày 28/6, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,7%; khu vực dịch vụ tăng 4,4% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,0%.
Quy mô nền kinh tế đạt gần 59 nghìn tỷ đồng với cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,8%; khu vực dịch vụ chiếm 35,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,7%3.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm trong quý I (giảm 1,5%), đạt mức tăng trưởng dương vào quý II (tăng 6,5%). Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, tỉnh Quảng Nam có mức tăng trưởng ở vị thứ 59/63 tỉnh, thành phố và quy mô nền kinh tế ở vị thứ 26/63.
Các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ, cùng với hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi đã thu hút lượng khách tham quan và lưu trú đến với tỉnh Quảng Nam tăng khá cao so với cùng thời điểm năm 2023, đặc biệt là khách quốc tế.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 4,6 triệu lượt, tăng 18%; trong đó: khách quốc tế đạt gần 3,1 triệu lượt, tăng 27% và khách nội địa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 4%.
Doanh thu du lịch đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 11% và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 9.095 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác phát triển sản phẩm du lịch, du lịch xanh, hoạt động tuyên truyền về du lịch xanh được đẩy mạnh, nổi bật với Chương trình kích cầu du lịch năm 2024 chủ đề “Quảng Nam - Miền xanh Di sản”.
Hoạt động vận tải, kho bãi diễn ra nhộn nhịp, tăng trưởng ổn định cả nhóm ngành vận tải hành khách lẫn hàng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Tổng doanh thu hoạt động vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ 6 tháng đạt gần 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 30,1%; sản lượng hành khách vận chuyển đạt gần 5 triệu lượt khách, tăng 17,2%; sản lượng hành khách luân chuyển gần 354 triệu lượt khách, tăng 6,5%; sản lượng hàng hóa vận chuyển 11,2 triệu tấn, tăng 5,5% và sản lượng hàng hóa luân chuyển hơn 1.141 triệu tấn, tăng 2,1%.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã hợp đồng thêm đơn hàng mới
Đối với ngành công nghiệp và xây dựng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy vậy, riêng trong quý II, ngành công nghiệp chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng tích cực với mức tăng 14,8%5.
Đây là mức tăng trưởng ấn tượng sau chuỗi thời gian khó khăn kéo dài kể từ đầu năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng, đóng vai trò chủ đạo trong sự hồi phục này.
Tính chung 6 tháng, ngành công nghiệp tăng 4,4% với công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có mức đóng góp cao nhất, tăng 12%; ngành khai khoáng giảm 18,2%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 16,2% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,9%.
Các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt, khắc phục khó khăn ổn định sản xuất. Theo đó ngành xây dựng tăng 6,1%; bao gồm, hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng 17,8%, xây dựng dân dụng giảm 0,3% và xây dựng chuyên dụng giảm 50,8%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 5,8%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 10,3%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 15,9%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 15%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể như: gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 29,8%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 48,6%; xe du lịch tăng 6,9%; xe tải 7,3 nghìn chiếc tăng 14,1%…
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm có xu hướng giảm như nước ngọt giảm 3,9%; than đá (than cứng) loại khác giảm 16,5%; cát trắng giảm 18,6%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 12,2%…
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp đã hợp đồng thêm đơn hàng mới, do vậy số lao động được sử dụng trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 35,8%.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 2,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 10,5% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 57%.
Theo ngành hoạt động cùng thời điểm, chỉ số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 123,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 36,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,2%, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7%.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận, mặc dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,7% nhưng nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn.
Các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024.
Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định khoảng 3 - 3,5%, khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung; khu vực công nghiệp phục hồi chậm; khu vực dịch vụ, du lịch có chuyển biến, nhưng thiếu yếu tố đột phá; doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với khó khăn về thị trường.
Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông… là các thách thức lớn đối với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng cuối năm. Do đó, dự kiến đến cuối năm 2024, chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) khó đạt mức 7,5 - 8%.