Quảng Nam, Quảng Ngãi đối thoại nghe tâm tư nông dân
Nông dân hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vừa có buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo địa phương để trình bày tâm tư nguyện vọng cũng như những vấn đề bức xúc thời gian qua tại mỗi địa phương.
Nông dân Quảng Nam kiến nghị 5 nhóm vấn đề lớn
Tại Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cùng UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh chủ trì buổi đối thoại.
Theo ông Cường, ngoài nghe nguyện vọng và ý kiến đóng góp, phản ánh của nông dân, lãnh đạo tỉnh cũng tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các cấp Hội Nông dân, khó khăn vướng mắc của bà con nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hàng chục cán bộ, hội viên nông dân các cấp đã gửi đến gần 100 câu hỏi (gồm cả 61 câu hỏi gửi trước). Các câu hỏi tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, trong số này một số đã được trả lời tại chỗ, còn lại sẽ được tập hợp trả lời bằng văn bản.
Cụ thể, nhóm vấn đề về môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng, thủy lợi… phần lớn ý kiến đề cập đến các công ty khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, các nhà máy, xí nghiệp xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, các chính sách giao khoán rừng cho người dân.
Nhóm thứ hai, vấn đề về quy hoạch, đất đai, cơ sở hạ tầng, giải quyết thủ tục hành chính… đề cập đến việc công nhận đất ở cho các trường hợp sử dụng đất trước 18/12/1980, cấp “sổ đỏ”, thủ tục đo đạc, các dự án đã được quy hoạch nhưng không hoặc chậm triển khai.
Tiếp đến, nhóm vấn đề về hỗ trợ HTX phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vấn đề liên kết 4 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp), vốn vay… đề cập đến các chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất, vốn vay để nông dân khôi phục lại ngành chăn nuôi.
Nông dân cũng mong muốn chính quyền hỗ trợ hợp tác xã xây dựng trụ sở làm việc, hoạt động, phát triển bền vững, tích tụ ruộng đất để mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho hội viên hội nông dân không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay để phát triển kinh tế.
Nông dân còn phản ánh vấn đề xây dựng nông thôn mới, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, cấp kinh phí để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Nhóm vấn đề về thực hiện chủ trương của Trung ương, địa phương, đề cập đến các thủ tục liên quan về đất đai, chính sách dồn điền đổi thửa, cơ chế hỗ trợ con giống, hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giảm tổn thất trong nông nghiệp, cấp phép khai thác với các hộ thuộc diện hỗ trợ làm nhà…
Tại buổi đối thoại, Bí thư Cường cho biết, tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến nông dân, không chỉ trong tiếp cận các cơ hội phát triển và hội nhập, mà còn trong điều chỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân.
Ông Cường lưu ý các cấp ngành phải chú trọng nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ nông dân về khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin, dự báo thị trường, xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, chuỗi liên kết để có đầu ra ổn định; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương; hỗ trợ vốn vay với lãi suất hợp lý; tăng cường quản lý kiểm tra các cơ sở bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Bên cạnh đó, Quảng Nam cần phát động các phong trào thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững… trong nông dân.
Liên kết “6 nhà” tại Quảng Ngãi còn yếu
Tại Quảng Ngãi, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì buổi đối thoại.
Tại buổi đối thoại, đại diện nông dân các địa phương đã bày tỏ tâm tư, kiến nghị, nêu những bất cập trong quá trình hỗ trợ, đầu tư, tiêu thụ nông sản… gây phiền toái và khó khăn trong phát triển sản xuất, nuôi trồng.
Ông Trương Quang Tri (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) cho biết, thời gian qua, việc cấp hỗ trợ giống cho nông dân bị thiệt hại trong bão lũ và thiên tai khác chậm, chưa kịp thời để cấy, trồng kịp thời vụ.
Đại diện nông dân xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức) kiến nghị tình trạng hệ thống dẫn nước tưới tiêu cho cây trồng ở địa phương bất cập; mương tiêu thấp hơn mương dẫn nước, gây úng ngập, việc sản xuất gặp khó khăn.
Nông dân huyện Nghĩa Hành phản ánh, sau thời gian được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành, hàng trăm gia đình địa phương đã phát triển nhân rộng trồng các loại cây ăn quả, như bưởi da xanh, chuối, chôm chôm… với diện tích hàng trăm ha. Tuy nhiên, việc tiêu thụ tại nhiều thời điểm còn khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của tỉnh trong tìm thị trường tiêu thụ.
Còn có ý kiến về tình trạng sạt lở nặng tại nhiều nơi ven biển, như Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ đe dọa đến sự an toàn của người và nhà cửa hàng trăm hộ dân; việc hỗ trợ cho tàu cá đánh bắt xa bờ còn bất cập…
Bí thư Quảng Ngãi đã yêu cầu các cấp ngành trả lời những thắc mắc cho nông dân; đồng thời chỉ rõ những vấn đề còn bất cập, phải nhanh chóng tháo gỡ giải quyết, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất. Trong đó chú ý việc quảng bá, giới thiệu để mở rộng và tạo sự ổn định của thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế; việc liên kết “6 nhà” còn yếu; cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nhiều nơi chưa phù hợp…
Bà Vân nêu ví dụ, là tỉnh có số lượng phương tiện đánh bắt xa bờ nhiều nhất nhì nước, nhưng hải sản đánh bắt phần lớn lại được chở về các cảng, bến tỉnh bạn để bán, tiêu thụ. Như vậy việc xây dựng, phát triển cơ sở chế biến của tỉnh lâu nay thế nào, cần phải xem xét đánh giá lại.
Bà Vân giao các cấp ngành sớm giải quyết, xây dựng phương án và tham mưu cho tỉnh xử lý, tháo gỡ khó khăn giúp nông dân có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất.