Quảng Nam sẽ thu hút đầu tư nước ngoài thiên về 'chất' hơn về 'lượng'
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Phát triển công nghiệp hàng không bên cạnh các ngành khác
Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Nam có 193 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 6,08 tỷ USD, các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, dịch vụ…
Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 57 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 866 triệu USD; Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 8 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD.
Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 1.772 tỷ đồng (đạt 134% so với cùng kỳ năm 2022), kim ngạch xuất khẩu 1.277 triệu USD (bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022), kim ngạch nhập khẩu 873 triệu USD (bằng 94% so với cùng kỳ năm 2022). Đến nay, các doanh nghiệp FDI đã giải quyết việc làm cho khoảng 61.000 lao động tại địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức công bố phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND tỉnh này, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được phê duyệt, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
Đẩy mạnh thu hút và nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị cung ứng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của cơ khí, hình thành chuỗi liên kết để sớm hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai mang tầm quốc gia.
Song song với đó, là phát triển ngành công nghiệp hàng không để hình thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Phát triển các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống.
Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phải là những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường, tiết kiệm tài nguyên.
Trong lĩnh vực dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logictics; hình thành các khu phi thuế quan, các sàn giao dịch mang tầm cỡ quốc tế; phát triển du lịch xanh.
Đổi mới để thúc đẩy thu hút đầu tư
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong thời gian tới, địa phương này thu hút đầu tư nước ngoài thiên về “chất” hơn về “lượng”.
Các dự án đầu tư phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư theo nhóm ngành, lĩnh vực…
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Tỉnh Quảng Nam thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin với tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế như: Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, KOTRA, KORCHAM, JETRO, JICA, EUROCHAM, AMCHAM, các Tham tán đầu tư, thương mại tại các nước, các công ty tư vấn, môi giới về đầu tư... để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Nam.
Địa phương này cũng tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp đối với các đối tác từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA…) như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Không chỉ thế, tỉnh Quảng Nam còn nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; thường xuyên tổng hợp, xây dựng, cập nhập, bổ sung thông tin bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn từng thời điểm, từng đối tượng nhà đầu tư như: Cẩm nang đầu tư vào Quảng Nam, video quảng bá thu hút đầu tư vào Quảng Nam, clip minh họa hướng dẫn đầu tư vào Quảng Nam, các clip ngắn chuyên đề... theo các thứ tiếng (Việt, Anh, Hàn, Nhật).
Tất cả tài liệu xúc tiến đầu tư đều phải số hóa để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trên nền tảng số. Tập trung xúc tiến đầu tư song phương.
Chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư thường xuyên theo dõi, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
“UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất công nghiệp để đảm bảo điều kiện xin chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng khác đầu tư vào tại Quảng Nam”, vị Phó Chủ tịch tỉnh này cho biết thêm.