Quảng Nam sẽ xây dựng vùng 'rất đáng sống'

Quy hoạch xây dựng vùng Đông Quảng Nam trở thành nơi rất đáng sống với yêu cầu lấy cảnh quan, môi trường sinh thái làm chân đế cho sự phát triển và kinh tế là mũi nhọn

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan về công tác lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là vùng Đông Quảng Nam) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là bước khởi đầu cho tham vọng xây dựng một vùng đất rộng lớn trở thành nơi phát triển bậc nhất miền Trung.

Phải có cách tiếp cận mới

Tại buổi làm việc, đa phần ý kiến của các sở, ngành, địa phương thống nhất theo đề xuất của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam về phạm vi ranh giới, mục tiêu, tầm nhìn của bản quy hoạch đang ở giai đoạn sơ khai... gồm 9 địa phương: Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành với tổng diện tích 2.742 km2, dân số khoảng 1,196 triệu người.

Quảng Nam muốn xây dựng vùng Đông thành một khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Đây là vùng động lực của tỉnh, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển. Trong đó, tỉnh định hướng đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị; trung tâm dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh phát triển mạnh, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, tổ chức lại và thúc đẩy triển khai, đưa vào hoạt động hiệu quả các nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam. Phát triển Khu Kinh tế (KKT) mở Chu Lai theo mô hình KKT tổng hợp, phấn đấu trở thành KKT động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Kinh phí để lập quy hoạch dự tính hơn 6,63 tỉ đồng. Sở Xây dựng tỉnh sẽ là cơ quan quản lý, tổ chức lập quy hoạch. Đơn vị này dự tính thuê tư vấn trong nước chủ trì, phối hợp với chuyên gia nước ngoài để lập đồ án quy hoạch.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh đơn vị chủ trì lập quy hoạch phải có cách tiếp cận mới, cầu thị, khoa học. "Lâu nay chúng ta có làm các quy hoạch nhưng vẫn bị chi phối bởi tư duy, cách làm cũ, vẫn theo phân vùng địa giới hành chính đã ít nhiều có sự manh mún. Khi lập quy hoạch có sự tham khảo tính liên kết nhưng thực tiễn bộc lộ hạn chế khi triển khai các dự án, công trình" - ông Thanh đánh giá.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (giữa), kiểm tra thực địa các địa phương tại khu vực vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: HỮU PHÚC

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (giữa), kiểm tra thực địa các địa phương tại khu vực vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: HỮU PHÚC

Chọn hướng phát triển bền vững

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc lập quy hoạch vùng Đông Quảng Nam phải chắc chắn, có tầm nhìn chiến lược lâu dài và mục tiêu cụ thể. Trong đó, ông Tuấn đề nghị chú ý tác động của biến đổi khí hậu, kết nối hạ tầng đồng bộ, các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, sông, biển... Trong khi đó, ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đề nghị cần xem xét nguồn lực để thực hiện và xác định các nội dung công việc cần ưu tiên làm trước.

Theo ông Lê Trí Thanh, hiện Quảng Nam đang có rất nhiều quy hoạch đã được duyệt, trong quá trình lập quy hoạch vùng Đông cần có tính kế thừa nhưng phải mạnh dạn điều chỉnh nếu quy hoạch cũ không phù hợp. Yêu cầu đặt ra là phải khớp nối đồng bộ hạ tầng, bảo đảm gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái, phát triển khu vực này trở thành vùng đô thị rất đáng sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết phạm vi nghiên cứu, lập đồ án bao gồm toàn bộ 9 địa phương nhưng quá trình làm cần bám theo từng khu vực trọng điểm để phát triển. Trong đó, ông lưu ý 2 vùng động lực quan trọng gồm: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên - gắn kết với nhau thông qua sông Thu Bồn, Cổ Cò; vùng động lực Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh với định hướng trở thành đô thị loại 1. "Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là chọn hướng phát triển bền vững, thống nhất lấy cảnh quan, môi trường sinh thái làm chân đế, là bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển và kinh tế là mũi nhọn có giá trị sinh lời, có tác dụng giữ cho sinh thái, văn hóa - xã hội phát triển" - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu xây dựng đồ án quy hoạch phải chú ý đến vấn đề môi trường chiến lược cho toàn bộ khu vực một cách nghiêm túc, thể hiện tính liên kết với toàn bộ TP Đà Nẵng về phía Bắc, khu vực Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi về phía Nam và các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Đồ án quy hoạch phải có tầm nhìn xa, hoạch định cho được các công trình kết cấu hạ tầng, thiết chế về văn hóa - xã hội, không gian công cộng và đáp ứng tốc độ phát triển đô thị hóa trong tương lai.

Không để trả giá đắt

"Nếu cứ hăng say phát triển, có đất bao nhiêu lấp hết các công trình bấy nhiêu thì đến một lúc sẽ trả giá nặng nề. Những không gian công cộng cho cộng đồng cư dân bản địa, cho khách du lịch cần phải xác định ngay từ bây giờ, thể hiện rõ trong đề án quy hoạch. Bên cạnh đó là các hành lang xanh để bảo đảm thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp cảnh quan, tạo vùng đệm bảo đảm môi trường sinh thái..." - ông Lê Trí Thanh nói.

TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/quang-nam-se-xay-dung-vung-rat-dang-song-20210316211637115.htm