Quảng Nam: Tăng cường công tác quản lý trong quá trình đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh
Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại 41 công trình giao thông đang thi công trong năm 2023 và 2024 của Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để đảm bảo chất lượng, tiến độ và quản lý chặt chẽ kinh phí đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro do tranh chấp hợp đồng, chất lượng công trình không đảm bảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải quyết nhanh các thủ tục về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị liên quan phải tăng cường kiểm tra công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn đối với các công trình, dự án theo phân cấp quản lý. Nắm chắc tình hình, kịp thời chấn chỉnh các chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án khi không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình, nhất là việc quản lý tiến độ, kinh phí. Không được để thất thoát ngân sách do thiếu quản lý, nhất là nguồn kinh phí tạm ứng.
Rà soát các dự án chậm tiến độ, nếu có khả năng hoàn thành thì lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình, nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các công trình, dự án không có khả năng tiếp tục thực hiện để hoàn thành, báo cáo cấp quyết định đầu tư xem xét, cho chủ trương dừng dự án để thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Yêu cầu các chủ đầu tư dự án tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được UBND tỉnh chỉ đạo. Đồng thời quản lý chặt chẽ hợp đồng về tiến độ. Phải tổ chức quản lý tiến độ dự án và tiến độ hợp đồng một cách chủ động, trước khi triển khai thi công phải xác định cụ thể mốc thời gian hoàn thành các giai đoạn thi công, hạng mục công trình. Trường hợp tiến độ đã lập bị phá vỡ thì yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng lại kế hoạch, lập lại tiến độ thực hiện các hạng mục công việc, giai đoạn thi công còn lại, có phương án tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị để làm bù cho thời gian, khối lượng đã bị chậm trễ. Trường hợp thời gian còn lại không đảm bảo để hoàn thành công trình, dự án, hợp đồng thì triển khai ngay các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện công trình, dự án, hợp đồng. Phải kịp thời gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bảo hiểm công trình. Không được để khi hợp đồng, công trình, dự án hết thời gian thực hiện mới lập thủ tục đề nghị gia hạn.
Đối với quản lý chất lượng công trình, các chủ đầu tư phải bố trí nhân sự có năng lực thực sự để theo dõi các công trình đang triển khai, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nhân sự theo hợp đồng đã ký kết, trường hợp thay đổi phải đề xuất nhân sự có năng lực phù hợp và phải được sự chấp thuận của chủ đầu tư. Kiểm soát, yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ các thủ tục về kiểm tra trước, trong và sau khi thi công từng hạng mục công trình, giai đoạn thi công xây dựng, ghi chép đầy đủ, phản ánh chính xác, trung thực tình hình thi công vào nhật ký công trình, thực hiện đầy đủ các thí nghiệm vật liệu đầu vào, thí nghiệm kiểm tra sản phẩm đầu ra theo quy trình thi công và nghiệm thu, tuyệt đối không hợp thức hóa kết quả thí nghiệm.
Theo ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí đã tạm ứng cho nhà thầu, trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng gần hết mà chưa thực hiện xong thủ tục gia hạn hợp đồng thì phải kiểm tra, thu hồi ngay các khoản kinh phí đã tạm ứng cho nhà thầu nhưng chưa được hoàn trả. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, nếu do lỗi của nhà thầu dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng thì thực hiện thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng, xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng. Không được để bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng hết hiệu lực nhưng nhà thầu chưa hoàn trả xong tạm ứng hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng.
Kiên quyết xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu không đảm bảo năng lực, vi phạm hợp đồng, không để tình trạng “dây dưa” kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Thông báo danh sách nhà thầu vi phạm nghĩa vụ, không hoàn thành hợp đồng để các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh được biết, đánh giá năng lực nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.