Quảng Nam tăng trưởng thấp nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay

Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tỉnh giảm 8,25% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa giải trình về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch năm 2023. Theo đó, năm 2023, quy mô nền kinh tế tỉnh ước tính đạt gần 112,5 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), giảm hơn 3,2 nghìn tỷ đồng so với năm trước.

Cơ cấu GRDP năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,83%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,82%; khu vực dịch vụ chiếm 35,51%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 19,84% (tương ứng năm 2022: 13,45%; 34,72%; 31,76%; 20,07%).

Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tỉnh giảm 8,25% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay.

Nguyên nhân do ảnh hưởng yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, do những bất ổn trong nội tại nền kinh tế trong nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: nhu cầu thị trường giảm sút, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm, đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng và quy mô…, điều này đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022 (+10,3%), là mức tăng cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây nên các năm sau để tăng trưởng 1% thì giá trị tổng sản phẩm GRDP là khá cao (hơn 6 nghìn tỷ), rất khó để thực hiện. Do đó, năm 2023 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức thì tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại.

Năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng khá, chủ lực sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (+27,7%; đóng góp 3,2 điểm % vào tốc độ tăng trưởng chung).

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ phục hồi tích cực và tăng trưởng khá (+6,7%; đóng góp 2,07 điểm %) khi Quảng Nam được chọn đăng cai Năm du lịch quốc gia 2022; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong năm này đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế (+12,8%; đóng góp 2,66 điểm %), nhờ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng cao và vượt dự toán đề ra (chủ yếu tăng thu khu vực công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước và thu thuế xuất nhập khẩu).

Tuy nhiên, đến năm 2023 mức suy giảm của ngành công nghiệp và thuế sản phẩm là yếu tố kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp (-24,3%; làm giảm 7,6 điểm % vào tốc độ tăng chung), đáng chú ý ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh giảm mạnh (-36,4%; làm giảm 4,82 điểm phần trăm).

Cùng với đó, số thu từ Tập đoàn ô tô Trường Hải là nguồn thu chủ lực chiếm gần 70% tổng thu ngân sách của tỉnh giảm mạnh (nếu như giảm 1% VA sản xuất ô tô và xe có động cơ thì thu ngân sách từ hoạt động này tương ứng giảm 0,8%). Nếu loại trừ ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ thì tăng trưởng GRDP năm 2023 tăng 1,1% so với năm 2022.

Một số ngành tuy tăng trưởng khá nhưng tác động không nhiều đến tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2023: nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan (+3,9%; đóng góp 0,25 điểm %); dịch vụ lưu trú và ăn uống (+4,9%; đóng góp 0,12 điểm %); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (+7,2%; đóng góp 0,21 điểm %); vận tải kho bãi (+10,6%; đóng góp 0,11 điểm %); bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+4,2%; đóng góp 0,24 điểm %); thông tin và truyền thông (+2,5%; đóng góp 0,09 điểm %);…

Linh Đan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quang-nam-tang-truong-thap-nhat-ke-tu-khi-tai-lap-tinh-den-nay-d204624.html