Quảng Nam tập trung 'gỡ vướng' trong xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Y tế
Ngày 20-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh cùng các sở, ngành về một số nội dung liên quan đến cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành Y tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Mai Văn Mười cho biết, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều hệ thống CSDL nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện thuê các dịch vụ cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) để vận hành quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, một số đơn vị sử dụng phần mềm HIS của các nhà cung ứng khác nhau như: Viettel-His, VNPT HIS, Vietsens His hoặc Bệnh viện tư nhân sử dụng SHPT His, FPT His nên dẫn đến CSDL khám, chữa bệnh chưa đồng bộ dữ liệu, gặp nhiều khó khăn trong công tác cập nhật thông tin lên hệ thống. Hệ thống thông tin quản lý trạm y tế (HMIS) đã được triển khai tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 106/QĐ-UBND.
Sở Y tế triển khai thực hiện Phần mềm Hồ sơ sức khỏe từ năm 2018 đến nay. Các Trung tâm Y tế, các Trạm Y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã được cài đặt phần mềm để triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đồng thời được cấp tài khoản phần mềm và đã tiến hành cập nhật, làm giàu dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử cho người bệnh, người dân. 100% các cơ sở sử dụng Viettel-His, VNPT-His thực hiện liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh về hệ thống Hồ sơ sức khỏe. Một số cơ sở khám chữa bệnh dùng phần mềm các nhà cung cấp khác thực hiện liên thông dữ liệu bằng Tool nên dữ liệu sức khỏe toàn dân không đạt 100%.
Các CSDL chưa có sự kết nối, liên thông để hình thành CSDL chung về y tế địa phương đảm bảo lưu trữ, quản lý đầy đủ các số liệu tập trung của ngành y tế tại địa phương và kết nối liên thông được với Trung tâm dữ liệu Y tế quốc gia. Do đó, cần phải có hệ thống điều hành Y tế thông minh kết nối dữ liệu đến 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh.
Về chủ trương Triển khai mô hình bệnh viện thông minh trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã đề xuất thực hiện cải tạo, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số thí điểm 3 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc). Tuy nhiên, việc lập Đề án tổng thể ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành Y tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2030 mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện và phê duyệt nên Sở Y tế chưa triển khai thực hiện được…
Sau khi lắng nghe một số kiến nghị của lãnh đạo các bệnh viện, sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu, Sở Y tế khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu ngành Y tế. Đồng thời, xây dựng lộ trình hoàn thiện Hồ sơ sức khỏe điện tử, đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 6-2025. Để đảm bảo giám sát chặt chẽ tiến trình triển khai, Sở Y tế có báo cáo tiến độ định kỳ vào cuối mỗi tuần trình UBND tỉnh.
Đến ngày 20-3, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp để đánh giá kết quả thực hiện, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai, hướng tới một hệ thống dữ liệu y tế hiện đại, liên thông và phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Y tế nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử từ các bệnh viện, địa phương để điều chỉnh và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Quảng Nam.