Quảng Nam: Thành công trong công tác giám sát, phản biện xã hội

Sáng 28/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm (2017 - 2022) thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị có ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Trần Xuân Vinh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Nam.

Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 5 năm qua, được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát huy vai trò chủ động, chủ trì tổ chức và tham gia gần 14.000 cuộc giám sát và gần 1.000 cuộc phản biện xã hội; chủ trì tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A, có quy mô di dân, tái định cư lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân được đầu tư trên địa bàn tỉnh…

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức và tham gia 13.937 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh là 151 cuộc; cấp huyện 1.487 cuộc và cấp xã là 12.299 cuộc. Nội dung giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được lựa chọn thực hiện liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: Công tác giảm nghèo; an sinh xã hội; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện dân chủ ở cơ sở; chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp; an toàn thực phẩm; giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát đầu tư cộng đồng; chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

“Sau giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ban hành hơn 2.700 văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có liên quan xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định. Đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát và đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Phi Hùng nói.

Ông Nguyễn Phi Hùng báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Ông Nguyễn Phi Hùng báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, hằng năm, căn cứ chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cùng cấp và trên cơ sở điều kiện, tình hình thực tế của địa phương… Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động lựa chọn, đăng ký phản biện đối với những dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước cùng cấp có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với Ban Dân vận tham mưu cấp ủy cùng cấp tổ chức sơ kết 3 năm và 5 năm thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện công tác kiểm sát, giám sát (2015 - 2020) và ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2020 - 2025;… Ngoài ra, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc lựa chọn nội dung, đối tượng, hình thức giám sát, phản biện xã hội trong báo cáo tổng kết công tác Mặt trận của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Trình bày ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Qua giám sát, phản biện xã hội, các cấp công đoàn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, lao động việc làm của công nhân, viên chức, lao động và thực tế hoạt động, sản xuất kinh doanh của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tới các cấp, các ngành để từ đó có sự chỉ đạo đối với các cơ quan, đơn vị không ngừng thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách của công nhân, viên chức, lao động”.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức phát biểu ý kiến: “Qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận huyện và các cấp tổ chức chính trị - xã hội các cấp kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện của chính quyền các cấp, đã kịp thời kiến nghị, đề xuất góp ý sửa đổi, điều chỉnh, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sau giám sát đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp thu, trả lời, chỉ đạo xử lý kịp thời”.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Qua phát biểu các tham luận và báo cáo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam (theo Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã làm rõ hơn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội”.

Ông Lê Trí Thanh cũng đề nghị Mặt trận các cấp phải thực hiện các văn bản quan trọng, mang tính nền tảng để phục tiếp tục quan tâm triển khai tốt hơn trong thời gian tới, trong đó quyết định 2017 và 2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tới theo đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng tại Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị 37-CT/TU, ngày 18/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tuyến đường Võ Chí Công được MTTQ tỉnh lấy ý kiến người dân trước khi khởi công công trình.

Tuyến đường Võ Chí Công được MTTQ tỉnh lấy ý kiến người dân trước khi khởi công công trình.

“Qua đánh giá 5 năm nay, chúng ta phải kiến nghị với các cơ quan Trung ương có liên quan để sửa đổi nội dung nào, bổ sung nội dung nào và hoàn thiện nội dung nào để làm sao công tác thực hiện giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn và phát huy được vai trò, vị thế chức năng nhiệm vụ của cơ quan Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội nhận bằng khen.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội nhận bằng khen.

Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen cho 22 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quang-nam-thanh-cong-trong-cong-tac-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-5710984.html