Quảng Nam thu ngân sách đạt hơn 6.100 tỷ đồng, Ôtô Chu Lai - Trường Hải chiếm 66%
Cục Thuế Quảng Nam cho hay, thu ngân sách nội địa do đơn vị quản lý, từ đầu năm đến ngày 29/3 đạt 6.139 tỷ đồng, đạt 34,5% dự toán trung ương, đạt 32% dự toán HĐND tỉnh, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, cơ quan Cục Thuế Quảng Nam thu 5.310 tỷ đồng, đạt 33%; các Chi cục Thuế thu 607,7 tỷ đồng, đạt 25,8%.
Theo tính toán của Cục Thuế Quảng Nam, có 6 nguồn thu đạt khá: thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh hơn 4.500 tỷ đồng, đạt 37%, trong đó thu từ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn ôtô Chu Lai - Trường Hải 4.087,5 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu; doanh nghiệp nhà nước trung ương 207 tỷ đồng, đạt 33%; thuế thu nhập cá nhân 220 tỷ đồng, đạt 30,7%; phí, lệ phí 46 tỷ đồng, đạt 27%; lệ phí trước bạ 80,6 tỷ đồng, đạt 24% và thuế bảo vệ môi trường 158 tỷ đồng, đạt 23%.
Tuy nhiên, thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài qua 3 tháng chỉ thu được 295,8 tỷ đồng, đạt 19,7% dự toán, bằng 66% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu từ Nhà máy Bia đạt 194,4 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 277 tỷ đồng, đạt 14,5%, bằng 60,5% so cùng kỳ năm 2021.
Đối với địa bàn các huyện, thị xã, thành phố do các Chi cục Thuế quản lý thu: 11/18 địa bàn cấp huyện có số thu đạt từ 25% dự toán trở lên: Hội An (28,7); Phú Ninh (25,9%); Núi Thành (25,4%); Duy Xuyên (37,9%); Thăng Bình (32%); Nông Sơn (42%); Tiên Phước (30,5%); Nam Trà My (57%); Nam Giang (26%); Đông Giang (49%) và Tây Giang (28,6%).
Năm 2022, Cục Thuế Quảng Nam được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 17.752 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 19.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với dự toán thu năm 2021.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Cục Thuế đã chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác nguồn thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế ngay từ đầu năm, nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt các Đề án theo Quyết đinh số 1734 của UBND tỉnh phê duyệt, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, như: hoàn thuế, hóa đơn, giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử, tài nguyên, khoáng sản, hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản.
Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất việc hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận nhanh các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế của nhà nước để được thụ hưởng có điều kiện thóa gỡ khó khăn cho sản xuấ kinh doanh; hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, cá nhân thực hiện quyết toán năm 2021 đúng kỳ hạn, khuyến khích người nộp thuế gửi hồ sơ quyết toán thuế TNDN, thuế TNCN bằng phương thức điện tử để góp phần phòng chống dịch; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho người nộp thuế về giảm mức thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15 của Chính phủ để doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi.
Cùng với đó, Cục Thuế cũng đã xây dựng triển khai chương trình kế hoạch thực hiện hóa đơn điện tử theo Quyết định 206/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, theo lộ trình thực hiện từ tháng 4/2022, với mục tiêu đề ra phấn đấu cuối tháng 4/2022 có 40% số doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử, cuối tháng 5/2022 là 70% và đến ngày 01/7/2022 hoàn thành 100% áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 123 của Chính phủ phạm vi toàn tỉnh (trừ những trường hợp không đủ điều kiện quy định).
Theo Cục Thuế Quảng Nam, qua thống kê ra soát, đến nay dự kiến toàn tỉnh có khoảng 13.450 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng phải sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định Nghị định 123 của Chính phủ, Thông tư 78 của Bộ Tài chính.
Trong đó, có 4.952 doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 32 của Bộ Tài chính, số này Cục Thuế dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 78 trong tháng 4/2022; số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đặt in, mua của cơ quan Thuế là 5.850 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.